Tránh “khoảng trống” pháp lý trong phân nhóm khoáng sản

(BKTO) - Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại quy định về phân nhóm khoáng sản tại Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để bảo đảm chặt chẽ.

Chiều 20/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

202406201526440308_z5557048091689_dbc0ed0bdf8d7a84d2c043477974afa9.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp

Trình bày Tờ trình Dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể là, Luật chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị đã nêu. Thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp… Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, Dự thảo Luật có một số điểm mới, như: quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương. Dự thảo Luật bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản…

202406201526440308_z5557048071248_303e134249d110cbb43411498b855342.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, Dự thảo Luật phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản tại các chương khác của Dự thảo Luật.

Đối với khoáng sản nhóm IV, không yêu cầu phải thực hiện thủ tục thăm dò, khai thác, chỉ cần đăng ký khai thác (với quy định này sẽ cắt giảm đi 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp).

Thẩm tra Dự án Luật, liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban cơ bản thống nhất với quy định phân 4 nhóm khoáng sản như Dự thảo Luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV).

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phụ thuộc vào trình độ công nghệ ở thời điểm điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên hoặc ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ tài nguyên quốc gia.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các loại khoáng sản nhóm IV và làm rõ nội hàm khoáng sản “chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp” để đơn giản hóa thủ tục khai thác cát sông, cát biển làm vật liệu san lấp.

Do đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu trên, tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến.

Đánh giá chi tiết dựa trên tính khoa học, yếu tố kỹ thuật của từng loại khoáng sản

Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Khoáng sản, nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

d10dfc3ba4dc07825ecd-1-.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: Đ. KHOA

Liên quan đến quy định về phân nhóm khoáng sản, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nhất trí với phân loại 4 nhóm khoáng sản như Dự thảo Luật, đặc biệt là phân loại riêng biệt với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Theo đại biểu, so với Luật hiện hành, việc phân nhóm khoáng sản như Dự thảo Luật sẽ đảm bảo việc phân cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với từng nhóm khoáng sản. Điều này góp phần khắc phục bất cập về thiếu nguồn vật liệu, là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình, dự án chậm triển khai.

Tuy nhiên, đại biểu Ngọc đề nghị rà soát các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để đảm bảo chặt chẽ, tránh khoảng trống pháp luật. Hiện nay Dự thảo Luật đang giao Chính phủ quy định chi tiết và trong Dự thảo Nghị định thì danh mục khoáng sản nhóm III cũng có sự kế thừa Điều 64 Luật Khoáng sản, đại biểu đề nghị cần đánh giá chi tiết dựa trên tính khoa học, yếu tố kỹ thuật của từng loại khoáng sản, tác động môi trường để quy định cho đầy đủ, để tạo điều kiện cho việc tổ chức triển khai thực hiện sau này.

Cũng tán thành việc phân nhóm khoáng sản song đại biểu Đỗ Đức Duy – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái băn khoăn việc phân nhóm nước nóng thiên nhiên là khoáng sản nhóm I.

Theo đại biểu, thực tế hiện nay nước nóng thiên nhiên với trữ lượng khác nhau và nằm trong phạm vi đất thuộc quyền sử dụng hộ gia đình, cá nhân với trữ lượng phân tán nhỏ lẻ. Theo tập quán sinh sống từ lâu đời thì người dân sử dụng nước nóng thiên nhiên trong sinh hoạt hàng ngày hoặc kết hợp với dịch vụ du lịch (homestay) và coi như các loại nước thông thường khác.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 56 Dự thảo Luật quy định hộ kinh doanh chỉ được cấp phép khai thác khoáng sản thuộc nhóm III. “Với quy định này sẽ “đóng lại” tất cả các quyền tiếp cận và sử dụng loại khoáng sản này của tất cả người dân. Bởi, muốn sử dụng thì phải được cấp phép, muốn cấp phép phải có quy hoạch, phải có điều tra cơ bản, phải có thăm dò, đánh giá trữ lượng thì mới có cơ sở cấp phép” - đại biểu nhấn mạnh và kiến nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định này, đồng thời cho phép các hộ dân được khai thác, sử dụng nước nóng thiên nhiên đối với các khu vực có trữ lượng phân tán, nhỏ lẻ.

Đại biểu Đỗ Đức Duy cũng cho rằng, trên thực tế đối với khoáng sản nhóm I và nhóm II sẽ có những loại khoáng sản vừa có thể làm khoáng chất công nghiệp, vừa có thể làm vật liệu trong công nghiệp xây dựng. Do vậy, đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm “khoáng chất công nghiệp” đối với khoáng sản nhóm I và “vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng” đối với khoáng sản nhóm II và phương án xử lý đối với khoáng sản có nhiều công dụng, có thể xếp vào cả 2 nhóm này.

Cùng chuyên mục
  • Đẩy sớm hiệu lực thi hành 3 luật: Cần bảo đảm chất lượng các văn bản hướng dẫn
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 20/6, thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ chủ trương sớm đưa các Luật trên vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về khả năng ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật.
  • Quy định điều kiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại công trình
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Từ thực tế các vụ cháy xảy ra vừa qua, đại biểu Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cần quy định yêu cầu, điều kiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại công trình, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
  • Hoàn thiện hai nghị định quan trọng về phát triển điện mặt trời
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 19/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Nghị định quy định về: Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
  • Trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai sớm hơn 5 tháng
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ chính thức trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 thay vì 01/01/2025.
  • Quy định cụ thể về kiểm toán tài chính công đoàn
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cần bổ sung quy định, hằng năm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài chính công đoàn với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn theo quy trình và khung thời gian đồng thời với kiểm toán ngân sách nhà nước.
Tránh “khoảng trống” pháp lý trong phân nhóm khoáng sản