Cần chấn chỉnh nhiều bất cập trong thực hiện Tiểu dự án Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

(BKTO) - Cùng với những bất cập trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán các gói thầu, Kiểm toán nhà nước (KTNN) còn chỉ ra nhiều thiếu sót trong lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng, quản lý tiến độ và việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán… khi thực hiện Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

t4.jpg
KTNN đã chỉ ra nhiều thiếu sót khi thực hiện Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa

Kết quả trúng thầu chưa đảm bảo tỷ lệ tiết kiệm

Theo KTNN, kết quả trúng thầu các gói thầu xây lắp của Dự án không đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược mua sắm đấu thầu được phê duyệt.

Cụ thể, giá trúng thầu giảm so với giá gói thầu được duyệt với tỷ lệ thấp (Gói thầu WB-XL-01 chỉ giảm 0,05%; Gói thầu WB-XL-02 giảm 0,14%; Gói thầu WB-XL-03 giảm 0,11%; Gói thầu WB-XL-04 giảm 0,22%).

Trong khi đó, theo mục tiêu đề ra, giá dự thầu hợp lý đảm bảo tiết kiệm ít nhất 5% so với dự toán. Đồng thời, qua kiểm tra hợp đồng còn có sai sót dẫn đến giảm giá trị hợp đồng còn lại 676,8 triệu đồng.

Trong quản lý chi phí, nghiệm thu, thanh toán, một số nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp chưa thực hiện xuất hóa đơn Giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định.

Về cơ bản, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã cố gắng thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ đề ra trong kế hoạch thi công chi tiết. Tuy nhiên, tiến độ thực tế tại các gói thầu xây lắp khối lượng công việc thực hiện đạt tỷ lệ thấp.

Chẳng hạn, đến thời điểm kiểm toán, tiến độ Gói thầu WB-XL-01 mới đạt 7,47%; Gói thầu WB-XL-02 chỉ đạt 2,8%; Gói thầu WB-XL-03 đạt 4,99% và Gói thầu WB-XL-04 đạt 22%. Còn gói thầu tư vấn giám sát mới được ký hợp đồng ngày 01/6/2021.

Công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu xây lắp XL-05 và XL-06 cũng chậm so với Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Qua kiểm toán, KTNN nêu rõ nguyên nhân dẫn đến khối lượng nghiệm thu thấp là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn giám sát tiến độ thực hiện diễn ra chậm và kéo dài so với kế hoạch.

Do đó, các hợp đồng xây lắp đã được ký kết khi chưa có nhà thầu tư vấn giám sát để triển khai. Để đảm bảo tiến độ chung, chủ đầu tư đã phải trực tiếp giám sát một số công việc trước khi ký hợp đồng và huy động nhân sự tư vấn giám sát.

Về tiến độ giải ngân, KTNN đánh giá, tình hình thực hiện trong năm 2021 còn chậm. Theo kế hoạch, vốn được giao là 390 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 352 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương là 38 tỷ đồng.

Đồng thời, theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án (QLDA), giải ngân 6 tháng đầu năm cho các gói thầu xây lắp bằng nguồn vốn ODA dự kiến là 88 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2021, vốn ODA giải ngân được 0%, vốn đối ứng mới giải ngân 16,9 tỷ đồng (tương đương với 44% kế hoạch). Như vậy, tiến độ giải ngân vốn không đạt kế hoạch. Ở thời điểm kiểm toán, Ban QLDA cam kết đến tháng 7/2021 giải ngân được 70% kế hoạch vốn; tháng 11/2021 giải ngân được 100% kế hoạch vốn.

Lúc đó, KTNN đã khuyến nghị, nếu chủ đầu tư và các đơn vị không có biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công thì sẽ không thể thực hiện được cam kết giải ngân vốn.

Quy định ràng buộc ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu, Dự án

Liên quan đến các nội dung văn bản, chính sách của Dự án, KTNN chỉ ra rằng, Quy chế đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) theo sổ tay hướng dẫn quy định ngân hàng tiến hành xét duyệt trước (tiền kiểm) những hoạt động đấu thầu có giá trị hoặc rủi ro cao mà không quy định mức giá trị cụ thể và như thế nào là rủi ro.

Điều này có thể dẫn đến các quyết định chủ quan của WB khi đưa ra quyết định những gói thầu nào cần phải tiền kiểm làm tăng thời gian và thủ tục trong quá trình đấu thầu.

Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của tỉnh Thanh Hóa đưa ra quy định những gói thầu tư vấn và xây lắp có quy mô và tính chất kỹ thuật đơn giản phải được WB xem xét trước làm kéo dài thời gian, thủ tục đấu thầu, do theo quy định tiền kiểm trong Quy chế đấu thầu mua sắm của WB phải được sự chấp thuận của WB trong từng bước đấu thầu mới được làm bước tiếp theo.

Trong Chiến lược mua sắm đấu thầu của Dự án cũng nhận định, Dự án có các gói thầu có tính chất không yêu cầu cao nhưng vẫn đưa ra khuyến nghị đấu thầu quốc tế đối với gói thầu có giá trị trên 300.000 USD là mâu thuẫn, không phù hợp với tính chất công việc và mục tiêu tiếp cận thị trường trong nước như Quy chế đấu thầu mua sắm dành cho bên vay vốn tài trợ Dự án (WB).

Chưa kể kế hoạch đấu thầu và Chiến lược đấu thầu đưa hình thức đấu thầu quốc tế đối với gói thầu tư vấn giám sát đã làm kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến huy động tư vấn giám sát muộn so với các gói thầu xây lắp là 6 tháng; đồng thời làm tăng chi phí tư vấn giám sát khoảng 16 tỷ đồng, do theo quy định nếu đấu thầu quốc tế, sử dụng chuyên gia quốc tế thì chi phí thù lao giám sát được tính 2 lần so với định mức sử dụng chuyên gia trong nước.

Từ những bất cập được chỉ ra, KTNN kiến nghị Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, đôn đốc các nhà thầu xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế GTGT cho khối lượng hoàn thành đã được nghiệm thu.

Cụ thể, phải tăng thu ngân sách gần 2,847 tỷ đồng thuế GTGT chưa xuất hóa đơn, giảm thanh toán 141,64 triệu đồng và giảm giá trị hợp đồng còn lại 676,83 triệu đồng.

Đồng thời, Ban QLDA phải phối hợp với nhà thầu tư vấn giám sát rà soát khối lượng, nội dung công việc trong hợp đồng và điều chỉnh giảm đối với những khối lượng công việc do chủ đầu tư đã tự giám sát trước khi nhà thầu tư vấn giám sát được huy động.

Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với đơn vị giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện giám sát, đôn đốc nhà thầu thi công để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn theo cam kết và hoàn thành Dự án theo tiến độ đã được giao.

Còn với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, KTNN kiến nghị cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại trong phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu đối với gói thầu tư vấn giám sát; chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN…

Tổng cục Thuế cần chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Thuế Sầm Sơn kiểm tra, yêu cầu các đơn vị tham gia thực hiện Dự án xuất hóa đơn đầy đủ, kịp thời đối với khối lượng đã nghiệm thu số thuế GTGT gần 2,847 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Cần chấn chỉnh nhiều bất cập trong thực hiện Tiểu dự án Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa