Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, chấp hành cơ bản đầy đủ các quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập lớn được KTNN chỉ ra.
Chậm giải phóng mặt bằng ảnh hưởng lớn đến dự án
Qua kết quả kiểm toán cho thấy, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, thiết kế sơ bộ và tổng mức đầu tư được lập, thẩm định đầy đủ theo quy định tại Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Nội dung hồ sơ chủ trương đầu tư, dự án đầu tư trình tự, thủ tục và nội dung lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán phù hợp với quy định của Chính phủ.
Trong công tác lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng, các đơn vị đã tuân thủ quy định tại Quy chế đấu thầu mua sắm dành cho bên vay vốn tài trợ dự án đầu tư của Ngân hàng Thế giới và Chiến lược đấu thầu của Dự án… Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cũng cơ bản thực hiện theo đúng quy định hiện hành về theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, công tác khảo sát về đền bù giải phóng mặt bằng của Dự án chưa đầy đủ nên trong quá trình thực hiện đã phát sinh khối lượng lớn làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng, phải điều chỉnh quy hoạch các khu tái định cư do không đủ diện tích phục vụ nhu cầu tái định cư của Dự án. Đồng thời phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư làm kéo dài thời gian thực hiện.
Cụ thể, theo Thông báo kết luận của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa ngày 11/5/2021, Tiểu dự án đang phải xem xét điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng từ 225,59 tỷ đồng lên 818,1 tỷ đồng, tăng tới 593 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt (số liệu tổng dự toán chi phí giải phóng mặt bằng điều chỉnh này do UBND thị xã Nghi Sơn - chủ đầu tư - thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, lập và trình UBND tỉnh Thanh Hóa).
Đến thời điểm kiểm toán, UBND tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện thủ tục xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Dự án và chưa có hướng xử lý cụ thể đối với khoản chi phí giải phóng mặt bằng tăng thêm này.
Dự kiến, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh thiết kế cơ sở, điều chỉnh Dự án sẽ mất nhiều thời gian do phải xin ý kiến của UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do đó có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả thực hiện của Dự án.
Chưa kể việc điều chỉnh thiết kế cơ sở, điều chỉnh Dự án sẽ cần nhiều thời gian để lập hồ sơ, thẩm định của các Bộ, ngành liên quan. Nếu quá trình này thực hiện chậm và kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả thực hiện của Dự án do không có mặt bằng để thi công.
KTNN nêu rõ, tồn tại này thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa), nhà thầu tư vấn lập dự án (Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú - Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Huy Hoàng - Công ty Cổ phần Xây dựng và môi trường Việt Nam)…
Sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá hơn 885 triệu đồng
Trong khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, KTNN ghi nhận: Khối lượng nghiệm thu thanh toán cơ bản phù hợp với hồ sơ thiết kế bản vẽ kỹ thuật, hồ sơ hoàn công; đơn giá thanh toán cơ bản phù hợp với đơn giá hợp đồng.
Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cơ bản phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt, phù hợp với Khung tiêu chuẩn dự án. Chất lượng công tác khảo sát cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác lập thiết kế bản vẽ thi công.
Khối lượng trong dự toán do Tư vấn thiết kế lập dựa trên cơ sở hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; đơn giá, định mức cơ bản phù hợp với định mức dự toán xây dựng công trình hiện hành.
Tuy nhiên, KTNN phát hiện dự toán không tính chi phí công tác thử tải cọc khoan nhồi theo chỉ dẫn kỹ thuật gói thầu và theo TCVN 9395:2012 cọc khoan nhồi thi công và nghiệm thu. Thế nhưng đơn vị thi công có thực hiện công tác thử tải cọc khoan nhồi theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật và không phát sinh chi phí so với hợp đồng.
Công tác lập, thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán các gói thầu còn có sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá làm tăng giá trị dự toán với giá trị 885,24 triệu đồng (do sai khối lượng 862,12 triệu đồng; sai đơn giá, định mức 23,12 triệu đồng).
Vì vậy, qua kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh giảm giá trị đã nghiệm thu thanh toán và giảm giá trị hợp đồng còn lại đối với những gói thầu chưa nghiệm thu thanh toán tương ứng với phần khối lượng giảm trừ dự toán.
Trong đó, đối với Gói thầu WB-XL-01 (cải tạo kênh Than, đoạn từ cầu Mai đến cống Đò Bè) làm tăng giá trị dự toán tới 220,15 triệu đồng do tính thừa khối lượng.
Tương tự, Gói thầu WB-XL-02 (cải tạo Kênh Cầu Trắng, đoạn từ đường tránh Quốc lộ 1A đến kênh Than và xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho khu vực trung tâm thị trấn Tĩnh Gia) làm tăng giá trị dự toán tới 261,9 triệu đồng, nguyên nhân cũng do tính thừa khối lượng.
Còn với Gói thầu WB-XL-03 (xây dựng 5 khu tái định cư dọc các tuyến đường), cũng do tính thừa khối lượng làm tăng giá trị dự toán hạng mục sản xuất, lắp đặt cốt thép tấm đan rãnh thoát nước thường các khu tái định cư với giá trị 118,78 triệu đồng.
Với Gói thầu WB-XL-04 (xây dựng cầu Sơn Hải, cầu Kênh Trắng, cầu Đò Bè và đường hai đầu cầu) làm tăng giá trị dự toán 250,3 triệu đồng. Trong đó, sai khối lượng do tính thừa khối lượng hạng mục bên tông cọc khoan nhồi với giá trị 76,55 triệu đồng; khối lượng hạng mục tháo dỡ hệ đà giáo thi công bản hẫng cầu Kênh Trắng với giá trị 85,95 triệu đồng; hạng mục đắp nền đường (cầu Kênh Trắng và cầu Sơn Hải) với giá trị 64,68 triệu đồng; sai đơn giá do áp sai định mức hạng mục bê tông bản chuyển tiếp với giá trị 23,1 triệu đồng…
KTNN cũng nêu rõ, tồn tại trên thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, dự toán và các đơn vị liên quan.
2 gói thầu xây lắp số 5 và số 6 đến thời điểm kiểm toán đang tổ chức đấu thầu chuẩn bị hoàn thành ký hợp đồng và phải tạm ứng hợp đồng cho các gói thầu nhưng chưa hoàn thành khu tái định cư để giải phóng mặt bằng, chưa có nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà thầu thi công.