Cần có cơ chế quản lý tiền ảo để phòng, chống rửa tiền

(BKTO) – Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan điểm cho rằng, Dự thảo Luật cần có cơ chế để quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tránh để “lọt lưới” hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố trên lĩnh vực số.



                
   

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ chiều 24/10. Ảnh: Đ. KHOA

   

Phát biểu thảo luận, các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền...

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) chỉ rõ, từ khi Luật hiện hành có hiệu lực thi hành đến nay, Lực lượng đặc nhiệm về phòng, chống rửa tiền (FATF) đã qua 11 lần sửa đổi các khuyến nghị. Theo đánh giá, hiện nay, Việt Nam mới tuân thủ hoàn toàn được 13/40 khuyến nghị, còn 27/40 khuyến nghị mới tuân thủ một phần hoặc chưa tuân thủ.

Bên cạnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển của nền tảng công nghệ, nhất là công nghệ số, các chiêu thức rửa tiền tại Việt Nam diễn ra dưới nhiều hình thức, thông qua các hoạt động: đầu tư bất động sản, góp vốn đầu tư, lợi dụng thị trường chứng khoán hay “núp bóng” hình thức kinh doanh online, đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số… là những hình thức rất mới.

Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm bao quát được những hình thức rửa tiền mới phát sinh và phù hợp với cam kết quốc tế, tránh rơi vào danh sách giám sát của FATF.

Với quan điểm đó, liên quan đến đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, đại biểu Trung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng báo cáo như: công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ Mobile money, dịch vụ chuyển tiền bưu chính, các công ty được cấp phép cung cấp dịch vụ tài sản ảo, kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng số.

Đồng quan điểm, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) phân tích, tiền số và tài sản số là một sản phẩm công nghệ xuất hiện rất phổ biến trong thời gian qua. Tiền số, tài sản số rất dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên đây là một kênh để tội phạm lợi dụng để rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Do vậy, đại biểu cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản số, tiền số, ngăn chặn các rủi ro liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố trong hoạt động này.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số, để tạo ra cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các hoạt động này có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

“Tôi đề nghị cân nhắc bổ sung vào Điều 2, Điều 3, Điều 4 Dự thảo Luật để phù hợp với các vấn đề quản lý giao dịch tiền số và tài sản số, nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực tiền số và tài sản số” – đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, hình thức tiền ảo, tài sản ảo có thể bị lợi dụng để rửa tiền. Điều này luật pháp chúng ta chưa có quy định nhưng trong các cuộc họp của Chính phủ cũng đã có những đánh giá rõ ràng. Theo đó, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiền ảo rất lớn, là một trong 10 nước tham gia chơi tiền ảo đông nhất.

“Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn, chúng ta đã nhận biết nó nhưng nếu chúng ta không quản lý và không đưa vào điều chỉnh trong Dự án Luật này thì việc rửa tiền với tiền ảo có thể sẽ xảy ra. Do đó, Dự thảo Luật cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh để “lọt lưới”, đảm bảo chống được rửa tiền và tài trở khủng bố trong thời gian tới” – đại biểu nêu ý kiến.

Trước đó, trong Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật trình Quốc hội cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo có đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh là: tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…

Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định tại Luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, Dự thảo Luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được quy định tại Luật.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật quy định Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Cần có cơ chế quản lý tiền ảo để phòng, chống rửa tiền