Cần có cuộc “cách mạng” về Big Data và AI tại Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Đã đến lúc cần một cuộc “cách mạng” về dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Kiểm toán nhà nước (KTNN). Làm thế nào để KTNN có được Big Data đáp ứng yêu cầu? Phân tích Big Data dựa trên nền tảng AI phục vụ hoạt động kiểm toán cần tập trung vào những giải pháp nào?...



                
   

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Chiều 16/9, hàng loạt câu hỏi đã được các đại biểu đặt ra cho Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Xây dựng giải pháp phân tích dữ liệu lớn phục vụ hoạt động kiểm toán dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo” tại Tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về các nội dung liên quan đến Đề tài.

Đề tài do TS. Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN và TS. Lê Anh Vũ - KTNN chuyên ngành VII - đồng Chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, những năm gần đây, sự phát triển như vũ bão của Big Data và AI đã tác động lớn đến kinh tế, văn hóa và đời sống con người; có ảnh hưởng sâu sắc đến khái niệm, phương thức, hình thức, phương pháp và cấu trúc của kiểm toán.

Các công ty kiểm toán độc lập lớn (Big Four) đang đầu tư hàng tỷ USD vào Big Data trên nền tảng AI để nâng cao chất lượng kiểm toán. Điều này cho thấy, Big Data và AI đang là xu thế phát triển tất yếu của ngành kiểm toán, tài chính trên thế giới.

Công nghệ Big Data có thể ứng dụng vào công tác kiểm toán để tìm ra vấn đề thông qua phân tích, so sánh dữ liệu tài chính của các đơn vị được kiểm toán. Ứng dụng công nghệ Big Data không chỉ hỗ trợ thu thập thông tin cơ sở dữ liệu hiệu quả mà còn hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả kiểm toán.

Ở khu vực kiểm toán công, năm 2016, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thành lập Nhóm công tác về Dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) xác định cơ hội, thách thức trong bối cảnh các công ty kiểm toán độc lập đang đi trước một bước trong việc ứng dụng Big Data và AI trong hoạt động kiểm toán, từ đó nâng cao năng lực kiểm toán Big Data trong lĩnh vực kiểm toán công.

Kiểm toán dữ liệu lớn không chỉ mang lại thay đổi về kỹ thuật mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong tương lai và trong kỷ nguyên số. Nắm bắt và nhận thức được ảnh hưởng của Big Data và AI, các SAI trên thế giới như: Anh, Mỹ, Canada, Scotland, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... đã tích cực triển khai ứng dụng Big Data và AI vào hoạt động của đơn vị, tổ chức và coi những sản phẩm công nghệ nêu trên như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của các cơ quan này.
                
   

TS. Nguyễn Quán Hải (người đứng) thay mặt Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Tại Việt Nam, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của KTNN luôn là yêu cầu cấp thiết trong suốt quá trình hình thành và phát triển của KTNN. Tuy nhiên, việc ứng dụng Big Data và AI tại KTNN đang ở những bước đi đầu tiên, còn nhiều hạn chế, chưa được triển khai sâu rộng, chưa đồng bộ, còn chậm so với yêu cầu thực tiễn.

Việc thực hiện Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030 còn một số hạn chế như: Chưa xây dựng được hạ tầng dữ liệu, trong đó có cơ sở dữ liệu kiểm toán tập trung, cơ sở dữ liệu tri thức kiểm toán, hạ tầng tích hợp dữ liệu của hệ thống KTNN với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp…; hệ thống văn bản pháp lý ứng dụng Big Data và AI, đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực này còn thiếu; chưa hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng ứng dụng, trong đó có các ứng dụng phân tích dữ liệu tổng hợp, đa chiều (từ các cơ sở dữ liệu theo ngành và lĩnh vực kiểm toán) hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán…

Những vấn đề trên chỉ có thể được giải quyết một cách khoa học và chất lượng khi KTNN xây dựng được một hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đã đến lúc cần có một cuộc “cách mạng” về Big Data và AI tại KTNN.

KTNN cần có những nghiên cứu mang tính học thuật và thực tiễn cao để xác định chiến lược phát triển kiểm toán Big Data dựa trên nền tảng AI, giúp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, sâu sắc hơn và toàn diện hơn để bắt kịp với xu thế phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Điều này càng trở lên quan trọng trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cho phép KTNN “được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán”.

Với ý nghĩa đó, Ban Chủ nhiệm đã lựa chọn Đề tài này để nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng phân tích Big Data dựa trên nền tảng AI, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
         
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I: Những vấn đề lý luận chung về phân tích Big Data, nền tảng AI trong hoạt động kiểm toán; Chương II: Thực trạng ứng dụng phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN dựa trên nền tảng AI; Chương III: Giải pháp phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN dựa trên nền tảng AI
                
   

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - góp ý cho Ban Đề tài. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đánh giá đây là một đề tài mới và khó, việc nghiên cứu Đề tài là vô cùng cấp thiết và cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Ban Chủ nhiệm đã rất tâm huyết, dành nhiều công sức, trí tuệ và thời gian để nghiên cứu.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, các chuyên gia lưu ý Ban Đề tài cần tập trung vào 2 vấn đề chính: Các giải pháp để tổ chức thực hiện phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN, sử dụng nền tảng AI để ứng dụng xây dựng Big Data và phân tích Big Data trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Bên cạnh đó, Đề tài cần tập trung làm rõ một số câu hỏi: Nền tảng AI để ứng dụng trong hoạt động kiểm toán của KTNN là những gì? Big Data của KTNN bao gồm những gì? Thực trạng nền tảng AI và Big Data của KTNN đã ứng dụng ở mức độ nào? Những hạn chế, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xây dựng và phân tích Big Data như thế nào?

Thực tế việc quản lý, khai thác, sử dụng, phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán như thế nào và đã đạt được yêu cầu phục vụ, hỗ trợ hoạt động kiểm toán ở mức độ nào, những giai đoạn nào của quy trình kiểm toán?

Làm thế nào để KTNN có được Big Data đáp ứng yêu cầu? (từ thu thập, tạo lập, cập nhật kho Big Data từ các nguồn dữ liệu đến vấn đề khai thác, sử dụng, phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán trong các giai đoạn của quá trình kiểm toán).

Xây dựng, phân tích Big Data dựa trên nền tảng AI phục vụ hoạt động kiểm toán cần tập trung các nhóm giải pháp: Công cụ hỗ trợ (phần mềm, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu…); xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định, hướng dẫn; tổ chức vận hành và quản lý, bộ máy; nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí…); các giải pháp hỗ trợ, phối hợp khác (môi trường chuyển đổi số, công nghệ quốc gia, sự phối hợp các đơn vị, Bộ, ngành…)./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Cần có cuộc “cách mạng” về Big Data và AI tại Kiểm toán nhà nước