Rất ít DN Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho các DN FDI tại Việt Nam. Ảnh: T.K
Đến thời điểm hiện nay, kết quả đạt được trong lĩnh vực CNHT của 6 ngành ưu tiên còn rất khiêm tốn, CNHT Việt Nam vẫn chưa phát triển đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất gốc. Chính vì vậy, giá trị gia tăng nội địa của nhiều ngành công nghiệp Việt Nam vẫn thấp khi so sánh với các nước khác trên thế giới. Trong tổng số 258 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam của hơn 18 ngàn dự án còn hiệu lực tính đến thời điểm này thì chỉ có khoảng 10 tỷ USD đầu tư vào ngành CNHT. Riêng Tập đoàn Samsung tại Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD năm 2015, trong đó giá trị gia tăng mà Samsung tạo ra khoảng 30% (10 tỷ USD), còn các DN hỗ trợ của Việt Nam chỉ tạo ra khoảng 35 triệu USD.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương đến từ Hiệp hội DN Điện tử cho biết, hầu hết các DN công nghiệp phụ trợ ngành điện tử là các DN FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị cuối cùng. Rất ít DN Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho các DN FDI tại Việt Nam. Điển hình như với Công ty Samsung Việt Nam, trong số 60 nhà cung ứng linh kiện năm 2014 thì có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc và 10 nhà cung cấp từ các quốc gia khác, chỉ có 5 nhà cung cấp của Việt Nam.
Trong lĩnh vực chế biến nông - thủy sản, TS.Nguyễn Mạnh Dũng (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Tuy các DN luôn biết cách tự cân bằng sự thiếu hụt các sản phẩm phụ trợ, nhưng cách thức làm của các DN vẫn rất thiếu chuyên nghiệp. Phần đông các DN chế biến nông - thủy sản đang chọn cách nhập các sản phẩm phụ trợ từ các nước trong khu vực ngay sau khi nhận được hợp đồng xuất khẩu, mặc dù cách làm này thường bị động, tạo ra những hậu quả không tốt và có giá khá cao so với mặt bằng chung; hoặc một số DN có quy mô sản xuất lớn lại thường liên kết với các DN trong ngành CNHT của lĩnh vực khác để đặt hàng…
Không giống như những ngành công nghiệp khác, các DN ngành đóng tàu đã nỗ lực đầu tư và hình thành một số khu, cụm công nghiệp tàu thủy phục vụ phát triển ngành CNHT. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay của các khu, cụm công nghiệp và DN đều sản xuất cầm chừng các sản phẩm phục vụ ngành khác chứ không phải phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu. Các nhà máy sản xuất CNHT đóng tàu 100% sở hữu nước ngoài cũng đã đầu tư khá nhiều vào Việt Nam, nhưng đến nay chỉ còn rất ít nhà máy hoạt động và cũng chủ yếu sản xuất để xuất khẩu - ông Vũ Minh Phú (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) nêu rõ thực trạng.
Gỡ rào cản bằng chính sách
Phân tích về bản Chiến lược, TS.Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Có thể thấy Việt Nam dự định thiết kế một hệ thống chính sách theo cả chiều ngang - dành cho từng ngành trong 6 ngành ưu tiên và theo chiều dọc - đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ và nhân lực dành cho cả 6 ngành ưu tiên. Các chính sách đó được thiết kế để tác động vào mối liên kết giữa các DN Nhật Bản và Việt Nam thông qua chuyển giao từ Nhật Bản vốn đầu tư, công nghệ, CNHT và đào tạo nhân lực, hay nói cách khác là hướng tới tạo dựng mối liên kết chặt chẽ thông qua chính sách, xóa bỏ tất cả các rào cản và phân biệt quốc gia để tự do lưu thông các yếu tố sản xuất. Tuy nhiên, nội hàm chính sách còn khá chung chung nên rất khó thực hiện. Hơn nữa, quan hệ phát triển các ngành ưu tiên đối với nền kinh tế Việt Nam lại chưa được nghiên cứu hình thành và chính thức hóa.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, các DN FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu sử dụng lợi thế về nhân công giá rẻ và ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam, vì thế, giá trị gia tăng nằm chủ yếu tại khâu sử dụng nhân công, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên không tái tạo… Muốn tăng giá trị nội địa và thông qua đó tăng GDP của Việt Nam, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về CNHT, cụ thể hóa chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Tương tự, để phát triển CNHT cho chế biến nông - thủy sản tương xứng với nhu cầu phát triển của ngành, Chính phủ cần thể hiện tốt vai trò “bà đỡ” bằng những chính sách ưu đãi đầu tư một số sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, hạn chế tối đa phải lệ thuộc vào sản phẩm của các nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Dũng kiến nghị.
Còn với ngành công nghiệp đóng tàu, cần bổ sung CNHT đóng tàu vào danh mục các đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển CNHT. Để tạo nền tảng cho sự phát triển của CNHT đóng tàu, việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm CNHT đóng tàu là hết sức cấp thiết.
Nhiều chuyên gia cùng bày tỏ chung quan điểm: Bên cạnh việc tạo dựng khung khổ pháp lý hoàn chỉnh thuận lợi để phục vụ 6 ngành cũng như DN tham gia phát triển CNHT, Chính phủ cũng cần có các ưu đãi về tài chính, đất đai, hạ tầng, đầu tư, nguồn nhân lực, chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chính sách khuyến khích thành lập các DN sản xuất CNHT, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho CNHT, hình thành tổ chức đầu mối để thực hiện sự quản lý nhà nước dẫn dắt liên kết các DN làm CNHT.
Box: Trong số 6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển của 5 ngành: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng. Hiện chỉ còn duy nhất kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô do Bộ Công thương chủ trì đang được hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt. 3 tiêu chí mà 6 ngành công nghiệp này phải đạt là đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là của Nhật Bản, đồng thời lan tỏa công nghệ và kỹ năng.
HỒNG THOAN