Cần đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo nghề

(BKTO) - UBND Thành phố Hà Nội cần sớm có quy hoạch mạng lưới các trường nghề theo đúng định hướng của Thành phố giai đoạn 2030-2045. Trong đó, tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện tự chủ tài chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên tại các trường nghề - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

1c.jpg
Thành phố Hà Nội có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: baochinhphu

Nhiều ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội, hiện nay, Thành phố có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 69 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 48 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 134 doanh nghiệp, loại hình khác. Thành phố có 19 trường trung cấp, cao đẳng công lập trực thuộc.

Trong giai đoạn 2021-2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện tuyển sinh đào tạo 474.393/445.000 lượt người và trung bình mỗi năm các cơ sở này thực hiện tuyển sinh, đào tạo 237.000 lượt người, đạt 103,04% chỉ tiêu đề ra và đạt 106,61% so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2021- 2022.

Trong 10 tháng năm 2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển sinh đạt 220.800 người, đạt 96% kế hoạch tuyển sinh năm 2023, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 3.000 lượt doanh nghiệp để tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 1.705 doanh nghiệp tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 1.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên…

Tháo gỡ khó khăn từ cơ chế chính sách và đầu tư phát triển

Tại Hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà cho rằng, do tuyển sinh cao đẳng chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên số lượng các thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường cao đẳng giảm theo từng năm. Ngân sách dành cho công tác tuyển sinh ngày càng hạn hẹp vì các trường tự chủ, học phí đến năm thứ 4 không được tăng.

Do đó, Thành phố cần quan tâm, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học nghề, hướng nghiệp hiệu quả có sự tham gia trực tiếp của các trường nghề tại trường THPT. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các trường đầu tư xây dựng số hoá trong công tác tuyển sinh, đào tạo, có cơ chế vinh danh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, hợp tác với các trường.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội Nguyễn Đức Dũng, hiện nay thiết bị đào tạo của trường quá cũ, lạc hậu và thiếu; cơ sở vật chất không đồng bộ; phải thuê đất để hoạt động… Thành phố cần sớm có kế hoạch trang bị đồng bộ thiết bị đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và theo kịp với xu hướng phát triển chung của thị trường lao động.

Đồng thời, có cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục dạy nghề tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên trên địa bàn Thành phố không phải thuê đất, được sử dụng đất như những đơn vị sự nghiệp công lập chưa (hoặc không) tự chủ…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Do đó, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần thay đổi nhận thức rằng giáo dục nghề nghiệp cùng với giáo dục phổ thông hình thành nên hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và mỗi loại hình có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội có 1.300 làng nghề và làng có nghề. Đây là nguồn lực lớn để Thành phố vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội.

Cần đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo nghề, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, đến các cơ chế chính sách giúp các trường tháo gỡ khó khăn- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Cần đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo nghề