Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng

(BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 12 mới đây, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

l_y-te-cong-dong.jpg
Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là cánh tay nối dài của Trạm y tế. Ảnh minh họa

Thời gian thực hiện Nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ ngày 01/01/2024.

Cụ thể, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thuộc TP. Thủ Đức và 16 quận được hưởng mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thuộc 5 huyện được hưởng mức hỗ trợ 550.000 đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình đối với các trường hợp cộng tác viên sức khỏe cộng đồng chưa có thẻ BHYT 300.000 đồng/người/năm.

Đối tượng áp dụng gồm cộng tác viên sức khỏe cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tổng kinh phí dự kiến hơn 104 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Kinh phí dự kiến hỗ trợ cho hơn 16.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng năm 2024 là hơn 99,5 tỷ đồng. Trong đó, hơn 75 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 12.500 cộng tác viên thuộc TP. Thủ Đức và 16 quận, hơn 24 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 3.600 cộng tác viên thuộc 5 huyện. Dự kiến hơn 4,8 tỷ đồng hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng khi tham gia BHYT tự nguyện trong năm 2024. 

Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh nhận định, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chính sách phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng rộng khắp trên địa bàn, là cánh tay nối dài cho hệ thống y tế cơ sở, nhằm giúp ngành y tế TP. Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác truyền thông, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, số lượng nhân viên tại mỗi trạm y tế từ 5 - 10 người, bình quân một trạm y tế phục vụ 30.000 dân (nhiều trạm y tế phục vụ dân số trên 100.000 dân). Ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế, các trạm y tế còn phụ trách quản lý 20 chương trình sức khỏe. Do vậy, một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều chương trình mới đáp ứng được nhu cầu công việc, dẫn đến không thể gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, không thể chuyển tải được những thông điệp truyền thông đến mỗi người dân, để vận động mỗi hộ gia đình, mỗi người dân cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với sức khoẻ cộng đồng.

Thực tiễn ứng phó với đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu được của mạng lưới các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng. Đây là những người “không chuyên nghiệp” nhưng phủ khắp địa bàn dân cư, có nhiệt huyết, uy tín trong cộng đồng nơi sinh sống và đã được tập huấn, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết về công việc cụ thể sẽ tham gia.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ứng phó với đại dịch đã tạm lắng xuống nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Đây luôn là những thách thức đối với hệ thống y tế Thành phố. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là lực lượng không thể thiếu khi triển khai các hoạt động phòng chống dịch và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xây dựng mạng lưới và đào tạo cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ sức khỏe cộng đồng, tăng khả năng phát hiện và phòng chống bệnh tật, góp phần quan trọng trong cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng