Nghiên cứu triển khai chương trình du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”

(BKTO) - Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách du lịch Trung Quốc (có lưu trú) đạt gần 210 nghìn lượt, chiếm gần 10% tổng lượng khách quốc tế đến Hà Nội.

2etg.jpg
Phiên thảo luận chuyên đề về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X. Ảnh: hanoi.gov.vn

Nỗ lực hợp tác phát triển sản phẩm du lịch

Thông tin tại phiên thảo luận chuyên đề về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, khách du lịch qua lại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc xu hướng ngày càng tăng.

Trung Quốc luôn là thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm tỉ lệ cao trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc đến tham quan du lịch. Việt Nam cũng là một trong 5 thị trường nước ngoài hàng đầu tới Trung Quốc.

Nhằm khai thác hiệu quả hợp tác song phương tương xứng với tiềm năng sẵn có của hai bên, việc tăng cường thúc đẩy, làm sâu sắc, hiệu quả thiết thực hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố dọc hành lang kinh tế giữa hai bên là vô cùng cần thiết.

Theo ông Dư Kiếm Minh - Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)- từ đầu năm 2023, tỉnh Vân Nam đã tổ chức một đoàn tiến hành trao đổi, nghiên cứu tại tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp hai bên đã ký “Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch” để tăng cường hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, tỉnh Vân Nam cũng tham gia cuộc họp lần thứ ba cơ chế họp thường niên Bí thư Tỉnh ủy giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Việt Nam và cuộc họp lần thứ 9 của Tổ công tác chung giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai (Việt Nam) nhằm quảng bá thực tế Vân Nam và Hà Giang - Việt Nam.

Với việc liên tục tối ưu hóa các chính sách phòng chống dịch bệnh và liên tục giải phóng nhu cầu tiêu dùng du lịch, hợp tác du lịch văn hóa giữa Vân Nam và các tỉnh của Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội phát triển hiếm có, ông Dư Kiếm Minh nhấn mạnh.

Phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch xuyên biên giới

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, hai bên cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch đi lại giữa hai nước; tăng cường phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch chung thông qua mời các đoàn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, báo chí hai bên tham quan khảo sát các điểm đến du lịch; tham dự hội chợ, hội thảo du lịch chuyên đề do các tỉnh, thành phố hai bên tổ chức.

Đặc biệt, tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch; hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch về quản lý, điều hành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam; trong đó, trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện và triển khai chương trình du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”.

Thành phố Hà Nội cam kết chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác. Cùng với đó, nghiên cứu để báo cáo UBND Thành phố Hà Nội tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch tại tỉnh Vân Nam, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.

Còn theo đại diện Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Vân Nam Dư Kiếm Minh, để phát triển du lịch, hai bên cần nỗ lực phát triển dòng sản phẩm, mở rộng các sản phẩm du lịch biên giới và xuyên biên giới dựa trên cách bố trí không gian và lợi thế tài nguyên. Cùng với đó, sử dụng nhiều triển lãm và lễ hội khác nhau để thực hiện các hoạt động tiếp thị du lịch, mở rộng du lịch xuyên biên giới.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý về văn hóa, du lịch cần thiết lập cơ chế liên lạc thường xuyên, tăng cường sắp xếp và phối hợp công việc, cùng nghiên cứu và giải quyết các vấn đề tồn tại trong trao đổi và hợp tác giữa hai bên, khám phá các kế hoạch hợp tác và trao đổi bước tiếp theo, đồng thời cùng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp.

Các địa phương cùng nhau xây dựng vòng tròn du lịch Lancang-Mekong. Dựa vào đường cao tốc Côn Minh - Bangkok, đường sắt Trung Quốc - Lào, đường thủy Lancang - Mekong, đường cao tốc và đường sắt Bờ Tây Thái Bình Dương, đường sắt Vân Nam - Việt Nam, đường cao tốc Kunhe và các kênh đường thủy, đường bộ quốc tế khác để tạo thành một tuyến khép kín, hỗ trợ mở rộng đa tuyến, kết nối sản phẩm du lịch cho các bên, đại diện Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Vân Nam khuyến nghị./.



Cùng chuyên mục
Nghiên cứu triển khai chương trình du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”