Cần giải pháp đồng bộ phát triển các tập đoàn kinh tế

(BKTO) - Trong khuôn khổ Tọa đàm “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 26/02, tại Hà Nội, các chuyên gia, học giả đã nhấn mạnh, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các tập đoàn kinh tế (TĐKT) lớn trong phát triển kinh tế đất nước.



                
   

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồngLý luận Trung ươngGS, TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: Tuấn Anh

   

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho TĐKT

Theo GS.TSKH Lê Du Phong- Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Kinh tế quốc dân, những đổi mới thường xuyên và ngày càng quyết liệt, sát với thực tiễn của đất nước, với xu thế phát triển của thời đại trong những năm đổi mới vừa qua, nhất là trong những năm gần đây đối với các thành phần kinh tế, đã giúp cho hệ thống doanh nghiệp không ngừng phát triển và lớn mạnh, trong đó nổi bật là việc xây dựng các TĐKT mạnh.

Đối với khu vực DNNN, những năm vừa qua, chủ trương được đưa ra là giảm nhanh số lượng các DNNN; cổ phần hóa các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc nắm giữ ở mức độ cần thiết; tập trung xây dựng một số tập đoàn, Tổng công ty lớn, có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế chung của đất nước, nhất là ở những lĩnh vực kinh tế tư nhân không được làm, hoặc chưa muốn làm. Nhờ đó, số lượng DNNN đã giảm khá nhanh qua các thời kỳ. Năm 1995, cả nước có 6.310 DN, thì đến năm 2000 còn 5.759 DN, năm 2010 còn 3.281 DN và đến 2016 còn 2.662 DN. Đặc biệt, một số TĐKT nhà nước lớn đã được xây dựng và có vai trò rất quan trọng trong một số lĩnh vực hoạt động thiết yếu của nền kinh tế. Cơ chế tổ chức, quản lý của các tập đoàn này ngày càng được hoàn thiện theo các chuẩn mực quốc tế. Hoạt động sản xuất- kinh doanh của nhiều tập đoàn đã dần đi vào ổn định và có hiệu quả, một số tập đoàn đã vươn ra khu vực và thế giới.
                
   

Tình hình sản xuất- kinh doanh của 10 TĐKT nhà nước lớn nhất năm 2018 (đơn vị: Tỷ đồng).Nguồn: Tổng cục Thống kê

   
Bảng trên cho thấy, trong 10 TĐKT nhà nước hàng đầu của nước ta, tập đoàn nhỏ cũng có doanh thu gần 1 tỷ USD, còn tập đoàn lớn đạt khoảng 13 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế thấp nhất là 7 triệu USD, cao là trên 2 tỷ USD. Đây là một thành tựu rất đáng tự hào.

Cùng với đó là chủ trương coi trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng DN, chất lượng hoạt động sản xuất- kinh doanh và vai trò, vị trí trong nền kinh tế. Nhờ đó, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta đã có sự phát triển khá nhanh. Năm 1995 mới có 18.243 DN ngoài Nhà nước, thì đến năm 2000 là 35.004 DN, năm 2010 là 268.831 DN và năm 2017 là 518.000 DN. Đặc biệt đã có một số TĐKT tư nhân được hình thành, có vai trò khá quan trọng đối với hoạt động sản xuất- kinh doanh ở một số lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như bước đầu vươn ra các quốc gia trong khu vực và thế giới.
                
                        
   
   

Tình hình hoạt động sản xuất- kinh doanh của 10 TĐKT tư nhân lớn nhất, năm 2017-2018 (đơn vị: Tỷ đồng).Nguồn: Tổng cục Thống kê

   
Bảng trên cho thấy, trong 10 TĐKT tư nhân hàng đầu, tập đoàn có doanh thu nhỏ nhất cũng đạt 1,6 tỷ USD, còn tập đoàn lớn nhất đạt tới 5,3 tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế thấp nhất là 31 triệu USD, cao nhất lên tới 434 triệu USD. Kết quả đạt được này là hết sức quý giá khi mà các tập đoàn tư nhân chính thức ra đời chưa lâu.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Lê Du Phong, thực tiễn phát triển các TĐKT ở Việt Nam đang đặt ra một số vấn đề.Cụ thể, đối với các TĐKT nhà nước là những vấn đề thuộc về cơ chế tổ chức, quản lý các tập đoàn như: quyền và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản của Nhà nước; vai trò của Bộ chủ quản và cơ quan chủ quản; sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các tập đoàn (Thanh tra, Thuế, Hải quan...); vai trò và việc bảo đảm tài chính cho hoạt động của các tổ chức chính trị trong tập đoàn; bố trí cán bộ lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên của tập đoàn, mức độ gánh vác trách nhiệm xã hội của các tập đoàn…

Song song với đó là tính hiệu quả của các hoạt động sản xuất- kinh doanh. Vấn đề được đặt ra là các TĐKT nhà nước hoạt động trên những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, được Nhà nước đầu tư rất lớn, được ưu tiên về nhiều phương diện... nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất- kinh doanh mang lại thấp, có tập đoàn còn bị lỗ nặng, nợ phải trả của một số tập đoàn khá cao (năm 2017, Tập đoàn Dầu khí nợ 146.585 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực nợ 132.071 tỷ đồng, Tập đoàn Than- Khoáng sản nợ 48.648 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất nợ 28.417 tỷ...). Theo tính toán, 8 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, có tổng tài sản năm 2017 là 2.776.384 tỷ đồng nhưng có tổng số nợ phải trả là 1.530.667 tỷ đồng (bằng 55% tổng tài sản). Hơn nữa, tính minh bạch trong quản lý của các tập đoàn còn hạn chế, tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng còn diễn ra khá nghiêm trọng ở một số tập đoàn.

Đối với các TĐKT tư nhân, vấn đề đáng nói nhất là các cơ chế, chính sách được ban hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và cũng chưa đủ rõ ràng; mặt khác, đội ngũ công chức thực thi công vụ trình độ còn hạn chế, một số công chức phẩm chất kém, nhũng nhiễu, tham nhũng... nên đã làm cho một số tập đoàn tìm cách lách luật, móc ngoặc trong hoạt động sản xuất- kinh doanh, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, nguồn lực tài chính, trong hợp tác quốc tế, trong đấu thầu các dự án…, từ đó tạo sự sự không bình đẳng trong cạnh tranh, sự méo mó của thị trường. Điều này đã làm cho dư luận xã hội nghi ngờ về sự giàu lên nhanh chóng và có phần bất thường của một số chủ tập đoàn.

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, rõ ràng

Để góp phần khắc phục những vấn đề trên, tạo điều kiện phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của các TĐKT đối với phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong những năm tới, GS.TSKH Lê Du Phong khuyến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ và hội nhập quốc tế, tạo ra môi trường pháp lý thực sự thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là cho các TĐKT hoạt động và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát và kiên quyết loại bỏ các điều kiện, các thủ tục hành chính gây ra sự nhiêu khê, phiền hà, nhũng nhiễu đối với hoạt động sản xuấ tkinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, các TĐKT nói riêng.

Đồng thời, cần tập trung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế các cấp: nghiên cứu, giảm các cơ quan, các tổ chức, các đầu mối trung gian không cần thiết; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đủ năng lực và phẩm chất trong thực thi công vụ; thay đổi một cách căn bản việc trả lương cho công chức, bảo đảm cho họ có mức sống trung lưu trong xã hội.

Quan trọng hơn, cần trả lại cho các TĐKT nhà nước vai trò đích thực của nó, mạnh dạn xóa bỏ Bộ chủ quản, cơ quan chủ quản đối với các TĐKT nhà nước, chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu giải quyết tốt những vấn đề trên thì những tiền đề sinh ra các hạn chế của TĐKT tư nhân cũng sẽ bị triệt tiêu.

Còn GS.TS Nguyễn Kế Tuấn- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất các phương hướng, giải pháp phát huy vai trò của các TĐKT nhà nước.

Một là sắp xếp lại hệ thống các TĐKT nhà nước hiện có.Hai là rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược phát triển của mỗi TĐKT nhà nước, phân tích, đánh giá đúng cơ hội, thách thức trong bối cảnh phát triển mới; bảo đảm hài hòa giữa các mặt kinh tế, xã hội và môi trường; tập trung cao vào lĩnh vực hoạt động trung tâm, thế mạnh của TĐKT nhà nước; thể hiện trách nhiệm “đầu tàu, động lực lôi kéo, lan tỏa phát triển các lĩnh vực, thành phần khác”.

Ba là hoàn thiện quản trị nội bộ theo hướng lựa chọn và bố trí nhân sự cho các chức danh chủ chốt; phát triển các quan hệ liên kết theo chiều dọc và theo chiều ngang giữa các đơn vị thành viên trong TĐKT nhà nước và với các tổ chức kinh tế khác bên ngoài; nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ; tuân thủ quy định về minh bạch hóa thông tin.

Bên cạnh đó là đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D).

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Cần giải pháp đồng bộ phát triển các tập đoàn kinh tế