Cần giảm gánh nặng chi phí cho lao động đi làm việc tại Nhật Bản

THÀNH ĐỨC - MINH LONG | 10/04/2023 20:05

(BKTO) - Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này. Song theo khảo sát, lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên ở Nhật Bản.

dieu-duong-nhat-ban.jpg
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng  nhưng chi phí cho lao động Việt Nam đi làm việc ở quốc gia này còn khá cao. Ảnh minh họa

Nhật Bản - thị trường tiềm năng nhưng vẫn còn những hạn chế

Nhật Bản là một trong những thị trường trọng yếu và tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác về nguồn nhân lực. Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - đánh giá, Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn của lao động Việt Nam. Minh chứng là lao động Việt Nam chiếm 25% trong tổng số 1,8 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại nước này.  Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua lượng kiều hối và trao đổi kỹ năng, với khoảng 3 tỷ USD được gửi dưới dạng kiều hối mỗi năm.

Để đạt được kết quả trên, nhiều chương trình, dự án như Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả.

Triển khai Hiệp định VJEPA, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐTBXH (trực tiếp là Cục Quản lý lao động ngoài nước) là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình EPA. Sau 11 năm thực hiện Chương trình (2012-2023), Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với phía Nhật Bản đã triển khai 11 khóa EPA với hơn 2.000 ứng viên theo học và hơn 1.700 điều dưỡng, hộ lý đã sang làm việc tại Nhật Bản.

Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) - cho biết, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến nay, hơn 30 năm qua, đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Đáng chú ý, từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 thực tập sinh năm 2013 lên 82.700 thực tập sinh năm 2019 (trước Covid-19), tăng hơn 8 lần. Riêng năm 2022, gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hương cũng thừa nhận, Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như vẫn còn tình trạng một số thực tập sinh, lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp phái cử Việt Nam không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh.

Bên cạnh đó, một số xí nghiệp/ngành nghề tiếp nhận điều kiện làm việc nặng nhọc nhưng thu nhập không cao, chủ sử dụng đối xử không tốt, bố trí thực tập không đúng với ngành, nghề, địa điểm đã đăng ký.

Nỗ lực xóa bỏ chi phí liên quan đến hợp tác lao động

Đáng lưu ý, theo ông Hương, chi phí đối với lao động đi làm việc tại Nhật Bản vẫn còn một số bất cập như: Thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định, thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian/môi giới.

“Một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh, yêu cầu thiết đãi quá mức khi đến Việt Nam, tạo gánh nặng chi phí lên người lao động; không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận” - ông Hương thông tin.

Một nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của ILO liên quan đến chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, thực tế lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - bà Ingrid Christensen - cho rằng, việc trả phí tuyển dụng cao góp phần làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí một số trường hợp bị vướng vào mua bán người.

“Người lao động có thể phải làm việc từ 7 tháng đến 1 năm để trả nợ chi phí trước khi đi. Điều kiện lao động cũng chưa đảm bảo, họ phải chịu đựng mà không thể về nước vì chi phí đã bỏ ra là một gánh nặng” - Giám đốc ILO Việt Nam đề cập, đồng thời khuyến nghị Việt Nam và Nhật Bản cần phải nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan đến hợp tác lao động.

Cũng theo ông Hương, để giảm chi phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14) đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật.

Cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật, được biết, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động đặc định Việt Nam sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

Cùng chuyên mục
Cần giảm gánh nặng chi phí cho lao động đi làm việc tại Nhật Bản