Tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho người lao động
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có Văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2022 để có căn cứ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.
Đối với lương tối thiểu theo tháng, Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức tiền lương tối thiểu, trong đó có việc triển khai quy định tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng.
Đánh giá về việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng năm 2022, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa Vũ Thị Hương cho biết, theo kết quả rà soát, các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng, cơ bản trả lương cho NLĐ với mức lương cao hơn mức lương tối thiểu.
Thu nhập bình quân của NLĐ khối DN có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 6,4 triệu đồng/tháng, khối DN dân doanh khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, khối DN có vốn nhà nước khoảng 6,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn thấp so với một số địa phương tương đồng tại các tỉnh lân cận, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt trong việc đóng - hưởng bảo hiểm xã hội.
Cũng theo bà Hương, dự báo trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn ít khó khăn hơn so với năm 2022. “Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo, năm 2024, cần tăng mức lương tối thiểu vùng từ 5 -7% so với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2023” - bà Hương đề xuất.
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hưng Yên Trần Văn Dũng cũng cho rằng, khi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, hầu hết các DN không cắt giảm hoặc xóa bỏ các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, cũng như trong thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động, luôn đảm bảo mức lương trả cho NLĐ làm các công việc đơn giản, trong điều kiện lao động bình thường không qua đào tạo, không yêu cầu có tay nghề, thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu, lao động làm các công việc độc hại nặng nhọc cao hơn ít nhất là 5% so với mức lương tối thiểu.
Cũng theo ông Dũng, thực tế có nhiều DN đã trả mức lương tối thiểu cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng (từ 4,5 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng/người/tháng, chưa bao gồm các loại phụ cấp khác theo thỏa thuận). Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, Bộ LĐTBXH cần tham mưu Chính phủ tăng lương tối thiểu năm 2024 từ 10 - 15% so với mức lương hiện hành.
Cần thêm những chính sách hỗ trợ
Khảo sát mức lương, đời sống NLĐ tại các DN do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, lương và khoản tiền làm thêm giờ của NLĐ chỉ đủ trang trải các chi phí tối thiểu hằng ngày, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động cho biết, mức lương tối thiểu vùng hiện tại quy định tại khu vực rất thấp, chưa đảm bảo đời sống NLĐ. Chính vì vậy, việc nâng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống của NLĐ trong năm 2024 là cần thiết và phù hợp.
Theo ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội), khó khăn đối với NLĐ, nhất là NLĐ trong các khu công nghiệp và khu chế xuất là chi phí sinh hoạt như tiền điện, tiền nước, tiền thuê trọ, tiền đóng học cho con tăng. Không được hỗ trợ và với thu nhập như hiện nay, NLĐ luôn phải chịu áp lực chi tiêu sinh hoạt hằng ngày.
Chính vì vậy, ngoài những quy định của pháp luật lao động, các DN nên xây dựng những chính sách riêng phù hợp với điều kiện của mình để giữ chân NLĐ. Nếu không thực hiện được việc này thì có khả năng, NLĐ sẽ nghỉ việc hoặc DN giảm bớt công nhân, song đến lúc có đơn hàng, DN sẽ không tuyển kịp công nhân có tay nghề phù hợp.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cho rằng, để đảm bảo thu nhập cho NLĐ, trước hết, DN phải thực hiện đúng việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng theo quy định. Bên cạnh đó, cần tăng lương định kỳ theo chính sách riêng của DN nhằm đãi ngộ xứng đáng cho NLĐ khi họ có tiến bộ về năng lực và năng suất lao động, tạo động lực và sự gắn bó của NLĐ. Đây cũng là cách giữ chân NLĐ. Về phía Nhà nước, cần có hỗ trợ NLĐ nhằm giảm chi phí sinh hoạt, nhất là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng./.
Lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng định kỳ hằng năm với mức tăng trung bình từ 5 - 7,5%. Cụ thể, tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 7,3% so với mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, năm 2018 tăng 6,5%, năm 2019 tăng 5,3%, năm 2020 tăng 5,5%. Năm 2021, tiền lương tối thiểu vùng không tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến năm 2022, tiền lương tối thiểu vùng tăng 6%, được áp dụng từ ngày 01/7/2022. Mức tiền lương tối thiểu vùng theo tháng đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.