Theo Dự thảo Luật hỗ trợ DNVVN, nội dung hỗ trợ cho DNVVN gồm: Gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Trong đó, đối với hỗ trợ về tín dụng, tài chính, Dự thảo Luật quy định: Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNVVN tiếp cận vốn. Trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng NSNN thực hiện cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay… Ngoài ra, DNVVN còn được hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các Quỹ Phát triển DNVVN, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNVVN ở các tỉnh, thành phố… Về hỗ trợ tài chính, thuế, Dự thảo Luật quy định DNVVN được hỗ trợ thuế suất Thuế Thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN…
Thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định Chính phủ sử dụng NSNN thực hiện cấp bù lãi suất là khó khả thi vì dù có quy định nhưng cũng chưa bố trí được nguồn cấp bù lãi suất hơn 30 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai trong thời gian qua.
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Nhà nước cần lựa chọn hỗ trợ cho các nhóm, ngành, DNNVV có tiềm năng phát triển
Ảnh: TK
Quy định trên cũng không nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc), việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ thuế suất Thuế Thu nhập DN hoặc hỗ trợ lãi suất tín dụng và hỗ trợ tài chính khác là phù hợp và hết sức cần thiết. Song ngân sách trong giai đoạn tới rất khó khăn, do đó cần rà soát, đánh giá tác động một cách cẩn trọng việc áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính nhằm đảm bảo nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho DNVVN lớn mạnh nhưng không làm ảnh hướng đến nguồn thu ngân sách.
Phân tích cụ thể về áp lực cân đối ngân sách, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, Dự thảo Luật quy định rất chặt chẽ các điều kiện, nội dung hỗ trợ, bảo đảm có các chính sách đi kèm để thực hiện nhưng với điều kiện ngân sách như hiện nay và với các quy định để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách thể hiện trong Dự thảo Luật thì việc bảo đảm nguồn lực hỗ trợ DNVVN khó khả thi và chưa có phương án cụ thể. Bản thân Dự thảo Luật cũng chỉ quy định cầm chừng là hỗ trợ tùy thuộc vào điều kiện của ngân sách trong từng giai đoạn nên sẽ càng khó khăn hơn. Về huy động ngoài ngân sách, Dự thảo Luật quy định chung chung là khuyến khích nhưng chưa cụ thể khuyến khích như thế nào nên khó thu hút được vốn.
Với quan điểm không nên trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách mà Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ bằng thể chế, cơ chế chính sách, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Dự thảo Luật cần tập trung khoanh vùng các nội dung hỗ trợ liên quan đến nguồn lực từ ngân sách, hướng vào một số nội dung quan trọng cần thiết và quy định cứng vào luật, đồng thời, phải cân đối lại các kế hoạch tài chính trung hạn, ngân sách hằng năm để thực hiện; tạo hiệu ứng kép trong chi tiêu ngân sách để vừa chi thực hiện nhiệm vụ vừa hỗ trợ DNVVN bằng cách chi tiết, cụ thể; kết nối các DNVVN với các DN lớn để tạo điều kiện phát triển cho các DNVVN. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hỗ trợ, tài trợ các DNVVN …
Cùng chung nỗi băn khoăn về tính khả thi của các quy định hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Luật cần rà soát và cân nhắc thận trọng các quy định này. “Theo báo cáo đánh giá tác động, khi thực hiện chính sách hỗ trợ, số thu giảm 13.000 tỷ đồng, nhưng cũng có ý kiến rằng, con số đó chưa đánh giá đúng thực chất mà còn cao hơn. Với tiềm lực ngân sách hiện nay còn rất hạn chế, khi ban hành chính sách mà không cân đối được nguồn lực là chúng ta có lỗi với DN” - đại biểu Mai bày tỏ.
Cũng theo đại biểu Mai, Dự thảo Luật quy định phải có quy trình để lập dự toán ngân sách riêng hỗ trợ ngân sách cho các DNVVN nhưng trong Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn không có nội dung này. Do đó, việc ban hành luật cần sự thống nhất, phù hợp với các văn bản liên quan.
Một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Dự thảo Luật không nên đưa ra các chính sách kiểu hỗ trợ cào bằng, rải đều một cách chung chung mà nên lựa chọn nhóm, ngành, DN có tiềm năng phát triển, có nền tảng và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, phù hợp với kế hoạch dịch chuyển cơ cấu các cấp và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách thức hỗ trợ theo hướng “DN cần cái gì thì hỗ trợ cái đó”. Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị, cùng với các chính sách hỗ trợ, Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của DN trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước…