Gạo Việt - “có tuổi chưa có tên”
Năm 2015, xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chiếm 18,3% thị phần, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu gạo mang tên mình. Khi xuất khẩu, gạo được đóng bao và mang nhãn hàng của DN hay quốc gia nhập khẩu. Chính vì vậy, ngay tại thị trường trong nước, gạo Việt Nam cũng bị đánh giá thấp hơn gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản… Hiện một số DN đã bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng nhưng số lượng còn nhỏ và chưa có được danh tiếng trên thị trường, cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 2015, xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, nhưng Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo mang tên mìnhẢnh: TK
Trong khi đó, theo TS. Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện cây lương thực, cây thực phẩm - các nước cạnh tranh chính trong xuất khẩu gạo của Việt Nam đều có gạo được đăng ký thương hiệu bảo hộ trên thế giới. Điển hình như: Gạo Basmati của Ấn Độ và Pakistan, Hom Mali của Thái Lan, cho phép bán giá cao. Trong khi gạo thơm Việt Nam, có khoảng 64% là giống Jasmine 85 nhưng lại chưa đăng ký bảo hộ được do giống chưa có nguồn gốc. Bên cạnh đó, cái khó trong xây dựng thương hiệu gạo còn là do số lượng giống sản xuất trong cùng thời vụ nhiều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tổ chức sản xuất theo vùng. Theo thống kê năm 2015, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sử dụng tới 45 giống trong sản xuất, so sánh với Thái Lan là 6 giống, Ấn Độ có 23 giống. Ngay cả Campuchia mới xuất khẩu gạo, cũng chỉ có 13 giống và rất chú ý đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm gạo chất lượng cao như Jasmine Campuchia.
Một chuyên gia nông nghiệp cho biết, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan nổi tiếng do nước này đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia từ năm 1955. Theo đó, khi DN Thái Lan muốn xuất khẩu gạo mang thương hiệu Hom Mali, thì phải đạt tất cả các tiêu chuẩn chất lượng mà Chính phủ Thái Lan đã ban hành. Do đó, các công ty Thái Lan muốn xuất khẩu gạo thơm Hom Mali, thì phải liên kết vùng nguyên liệu, phải thực hiện sản xuất theo quy trình, có kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra chất lượng sản phẩm…
Hướng tới hạt gạo “Made in Vietnam”
Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong giai đoạn 2015-2023, thương mại gạo toàn cầu tăng 1,5%/năm; nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia, Trung Quốc và các nước tại châu Phi, Trung Đông vẫn tiếp tục tăng. Trong 10 năm tới, Thái Lan và Việt Nam có khả năng chiếm 47% lượng cung xuất khẩu gạo thế giới.
Trước yêu cầu cấp thiết phải xây dựng được thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam, ngày 21/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án). Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng và an toàn thực phẩm. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gộp 5 dự án trọng điểm thực hiện Đề án thành 1 dự án chung: Dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; gồm 5 hợp phần: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của vùng ĐBSCL; bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các DN đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế; quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, DN và người tiêu dùng; xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho DN và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Thực hiện Đề án này, năm 2016, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đã tập trung xây dựng 3 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực lúa gạo bao gồm: TCVN gạo thơm; TCVN gạo trắng; TCVN quy phạm thực hành xay xát thóc gạo. Đồng thời, phối hợp với Hiệp Hội lương thực Việt Nam phát động cuộc thi tuyển chọn lô-gô cho thương hiệu gạo Việt Nam để chuẩn bị đăng ký bảo hộ trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, qua khảo sát thực tế tại các tỉnh ĐBSCL đã lựa chọn được 4 giống lúa thơm, gồm: Jasmine 85, Nàng hoa 9, Thơm RVT và ST20 để làm cơ sở xây dựng tiêu chuẩn gạo thơm của Việt Nam... Đây đều là các giống lúa được trồng nhiều tại ĐBSCL, khối lượng xuất khẩu lớn, được khách hàng ưa chuộng. Những bước đi bước đầu này đang hứa hẹn trong tương lai không xa, hạt gạo gắn nhãn “Made in Vietnam” sẽ được bày bán tại nhiều nơi trên thế giới, mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân Việt Nam.