Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm phát biểu về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn |
Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về những nội dung nhân dân bàn và quyết định, tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, trừ cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập), Dự thảo Luật đã bổ sung mới quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và chỉnh lý các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động.
Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc hội nghị người lao động. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sau khi đã thống nhất với ban chấp hành công đoàn cơ quan, đơn vị, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị hoặc người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể người lao động trong tổ chức sau khi đã thống nhất với ban đại diện của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở.
Góp ý về quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định như Dự thảo Luật chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức có sử dụng lao động. Theo đó, việc công khai thông tin kinh doanh của xí nghiệp, công ty đối với toàn thể người lao động là không thực tế, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất, làm lãng phí nguồn lực, lộ bí mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp.
“Nội dung quy định trong Dự thảo Luật rành mạch, rõ ràng, cụ thể, nhưng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp tư nhân rất khó áp dụng” – đại biểu Hòa băn khoăn và đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo quy định của Luật có tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cũng quan ngại khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang lĩnh vực các tổ chức có sử dụng lao động sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và không khả thi.
Đại biểu Lâm phân tích, về mặt lý luận, dân chủ là người dân làm chủ, thể hiện mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước. Trong mối quan hệ này, người dân là người chủ thật sự. Việc đặt vấn đề quan hệ dân chủ ở cơ sở hay dân chủ trong mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước là hoàn toàn xác đáng và Dự án Luật này để điều chỉnh, làm sâu sắc, đảm bảo quyền làm chủ của người dân.
Tuy nhiên, nhìn vào mối quan hệ trong tổ chức sử dụng lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì mối quan hệ này gọi là hợp tác. Hợp đồng lao động thể hiện bằng hợp đồng và về bản chất, người trả lương là chủ sử dụng lao động đó, còn người lao động là người đi làm thuê.
“Đặt vấn đề ngược lại, người chủ trả tiền để thuê lao động ấy lại là đối tượng để cho người khác làm chủ mình. Vậy về mặt nguyên tắc lý luận như thế liệu đã thông chưa, có thỏa đáng không, vấn đề này cần phải làm rõ?” - đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, việc bảo vệ quyền lợi người lao động đã có một loạt các luật quy định chặt chẽ như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thi đua - khen thưởng... Các luật này được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát thi hành một cách chặt chẽ. Vì vậy, không nhất thiết phải quy định nội dung này thành luật riêng, chỉ cần bổ sung, sửa đổi quy định ở các luật hiện hành nêu trên.
Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm. Nếu áp dụng thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp tương tự như ở xã, phường thì không phù hợp và khiên cưỡng. Bởi thực tế thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp hiệu quả không cao. Nếu vội vàng luật hóa nội dung này thì không đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của Luật trong thực tiễn và có khả năng một số đối tượng sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh.
Còn theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định), Dự thảo Luật quy định trong trường hợp người đứng đầu các tổ chức có sử dụng lao động không thực hiện các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì sẽ bị xử lý. “Điều này sẽ gây áp lực thêm cho tổ chức, ngoài việc chịu sự kiểm tra, thanh tra, đảm bảo điều kiện an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm…, giờ các tổ chức sẽ gánh thêm áp lực đảm bảo dân chủ, đây sẽ là áp lực lớn cho người đứng đầu các tổ chức. Việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng sẽ làm tăng thêm công việc, nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước” - đại biểu Dũng phát biểu.
Đại biểu cho rằng, với các quy định này, pháp luật đang can thiệp sâu vào hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động, khiến các tổ chức này mất đi sự chủ động, gây tốn kém thời gian, nguồn lực, không còn tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, bị kìm hãm trong phát triển. Vì vậy, Dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định của pháp luật phù hợp, khả thi trong thực tiễn.