Cần phát triển điện mặt trời mái nhà theo lộ trình phù hợp

(BKTO) - Chỉ ra nhiều bất cập trong phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Bộ Công Thương có chính sách dài hạn để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó lưu ý đến phát triển các dự án ĐMTMN để có lộ trình phát triển phù hợp, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, tạo điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch.

10.jpg
KTNN kiến nghị Bộ Công Thương có chính sách dài hạn để phát triển NLTT. Ảnh: ST

Thiếu kiểm soát trong phát triển điện mặt trời mái nhà

Kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng NLTT theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg, KTNN chỉ rõ, Bộ Công Thương chưa hướng dẫn quy định tỷ lệ lượng điện dư đối với hệ thống ĐMTMN để bán cho bên mua điện là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không kiểm soát được lượng điện bán ra để hưởng biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) theo quy định. Bên cạnh đó, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 chỉ định nghĩa ngày vận hành thương mại đối với dự án điện mặt trời nối lưới (ĐMT nối lưới) mà chưa xác định ngày vận hành thương mại của Hệ thống ĐMTMN. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2022), thời hạn thực hiện theo giá FIT đã hết nhưng cơ quan quản lý chưa ban hành được các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển NLTT trong thời gian tới.

Kết quả kiểm toán cho thấy, việc phát triển 104.526 hệ thống ĐMTMN (có công suất không vượt quá 1MW/1 hệ thống) được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công nhận vận hành trước ngày 01/01/2021 với tổng công suất khoảng 9.639MWp (ước tính tương đương khoảng 7.660MW) đã góp phần giải quyết được nhu cầu thiếu điện đối với những vùng có phụ tải cao, đồng thời huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư phát triển NLTT.

Việc vận hành hệ thống ĐMTMN trong thời gian qua đã làm tổng công suất vận hành tăng thêm 20% so với công suất các dự án NLTT nối lưới được quy hoạch và quy hoạch bổ sung giai đoạn 2015-2021, bằng 56% công suất vận hành các dự án được quy hoạch bổ sung. “Do ĐMTMN không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch và cấp phép hoạt động điện lực nên việc nhiều hệ thống ĐMTMN vận hành đấu nối vào lưới điện không quy hoạch cho ĐMTMN gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải hệ thống điện” - Báo cáo kiểm toán nêu rõ.

Cùng với đó, quá trình triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN cho thấy, các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện được Bộ Công Thương và EVN ban hành chưa đồng bộ, còn có sự không đồng nhất giữa các quyết định, có nội dung chưa phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng và các quy định liên quan.

Đơn cử, ngày 22/9/2020, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 7088/BCT-ĐL hướng dẫn phát triển ĐMTMN tại mục b khoản 2 có nêu: "Về trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN có tổng công suất trên 1MW (mỗi hệ thống có công suất không quá 1MW) trên 1 địa điểm (trên cùng một mành đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp, của một hoặc nhiều nhà đầu tư; trường hợp một chủ đầu tư mua lại nhiều hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau, có tổng công suất trên 1MW: Theo quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và Thông tư số 18/2020/TT-BCT, trường hợp này, mỗi hệ thống ĐMTMN được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực...".

Trong khi đó, tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg quy định “hệ thống ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của Bên mua điện", không quy định trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN triển khai lắp đặt trên cùng 1 địa điểm.

Kết quả kiểm toán cho thấy, sự không phù hợp của quy định tại Văn bản số 7088/BCT-ĐL với quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, dẫn đến việc các nhà đầu tư vận dụng hướng dẫn tại Văn bản số 7088/BCT-ĐL để chia nhỏ dự án thành nhiều dự án có công suất dưới 1MW nhằm tránh làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

KTNN cũng chỉ ra việc chưa thực hiện ban hành quy định về đo đếm, ghi nhận sản lượng điện và thanh toán đối với các hệ thống ĐMTMN có sự tham gia của đơn vị phân phối và bán lẻ điện không thuộc EVN theo quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định “quy mô công suất (không quá 01MW và 1,25MWp)” được xác định là hệ thống ĐMTMN trong khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg lại không quy định công suất 1,25MWp.

Xác định công trình điện mặt trời mái nhà trong quy hoạch điện lực tỉnh

Qua kiểm toán công tác kiểm tra chuyên ngành hoạt động điện lực cho thấy, hoạt động kiểm tra ĐMTMN của ngành công thương đã chỉ ra những tồn tại của việc phát triển ĐMTMN tại Kết luận số 1424/KL-BC ngày 21/3/2022, trong đó nêu rõ: Các nhà đầu tư phát triển tập trung ở một số địa phương có mức độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn, trong khi lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải.

Bên cạnh đó, phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực ĐMTMN mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường... mà chủ yếu tập trung và quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện. Đồng thời, thỏa thuận đấu nối còn vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu...

KTNN kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh các mục tiêu chiến lược theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho phù hợp với thực tiễn phát triển trong giai đoạn tới. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc ban hành văn bản, hướng dẫn xử lý môi trường đối với các tấm quang điện bị hỏng, hết tuổi thọ hoặc kết thúc vòng đời dự án.

Qua thực tế kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, tồn tại trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về NLTT. Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu, sửa đổi hệ thống văn bản về NLTT, có chính sách dài hạn để phát triển NLTT, trong đó lưu ý đến phát triển các dự án ĐMTMN để có lộ trình phát triển phù hợp, được quản lý đầy đủ bởi các cơ quan có thẩm quyền, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, tạo điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch.

Đặc biệt, KTNN kiến nghị, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, ban hành việc quản lý công trình ĐMTMN cần thiết phải xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực của tỉnh; quy định ngày vận hành thương mại đối với Hệ thống ĐMTMN; quy định tỷ lệ lượng điện sử dụng và lượng điện dư bán cho bên mua điện của hệ thống ĐMTMN. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn trong công tác kiểm tra nghiệm thu trước khi đấu nối, tránh xảy ra tình trạng như một số tồn tại về thủ tục pháp lý, quản lý đất đai, xây dụng cơ bản, chưa kịp thời kiểm tra công tác nghiệm thu của cấp có thẩm quyền./.

Cùng chuyên mục
Cần phát triển điện mặt trời mái nhà theo lộ trình phù hợp