Sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH (từ Điều 29 đến Điều 37).
Trong đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Cụ thể như: quy định cụ thể 02 hành vi (chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH); quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Góp ý về quy định này, các đại biểu Quốc hội đánh giá, tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao; tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương. Do đó, các đại biểu nhấn mạnh, sửa Luật lần này cần có các quy định nhằm giảm tối thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.
Theo đó, Ban soạn thảo cần có quy định chặt chẽ, chế tài xử lý cần mạnh hơn nữa và ngăn chặn ngay từ đầu; tăng cường các biện pháp về thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo Dự thảo Luật đưa ra. Đồng thời, đề nghị có thêm các quy định để định rõ các vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện các chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc gia tăng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên - Huế) chỉ rõ, thực tế, đóng BHXH chiếm đến 20-25% chi phí của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp “lách luật” để né đóng BHXH bằng nhiều cách. Hiện đã có quy định chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH nhưng thời gian qua xử lý trách nhiệm hình sự là rất ít, chủ yếu xử lý pháp nhân mà chưa có cá nhân bị xử lý.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Dự thảo Luật mới đề cập đến doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà chưa đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó cần lượng hóa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, không thể để tốc độ, số lượng ngày càng có dấu hiệu gia tăng như thời gian qua.
Đại Nguyễn Thị Phúc chỉ rõ, khoản 2 Điều 37 của Dự thảo Luật có quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng”. Đại biểu cho rằng, với tình trạng hiện nay, hành vi trốn đóng 6 tháng trở lại phải áp dụng quy định về hình sự. Việc áp dụng biện pháp “ngừng sử dụng hóa đơn” là chưa bảo đảm tính răn đe; đồng thời nếu quy định biện pháp này cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Đầu tư…
Trong khi đó, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP.Hải Phòng) phân tích: Quy định tại khoảng 4 Điều 37 của Dự thảo Luật “Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng thì cơ quan BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật” là chưa thực sự phù hợp. Bởi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục tiếp diễn thì cần áp dụng biện pháp cao hơn của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó Dự thảo Luật lại chuyển sang khởi kiện, tức là áp dụng chế tài dân sự là chưa phù hợp. Quy định này cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, chỉnh sửa hợp lý hơn./.