Cần tăng cường kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để hoàn thiện mô hình tổng thầu, hợp đồng EPC (thiết kế - mua sắm - thi công), cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu, cũng như tăng cường kỷ cương, nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia thực hiện dự án. Đồng thời, cần phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) thông qua kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng EPC.

c-dung(1).jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Tại Việt Nam, những năm qua, việc áp dụng mô hình quản lý hợp đồng EPC đã được thực hiện trong nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ tiên tiến, mà trong nước chưa có đủ kinh nghiệm, năng lực thực hiện. Chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức Hợp đồng EPC” do KTNN tổ chức ngày 02/11, nhiều đại biểu cho rằng, việc áp dụng hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư.

Từ kinh nghiệm quản lý xây dựng của các nước phát triển, ông Phạm Văn Khánh - Trưởng ban Kinh tế, Tổng hội Xây dựng Việt Nam - chia sẻ, việc áp dụng mô hình hợp đồng tổng thầu EPC, hợp đồng EPC là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và quản lý xây dựng, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư xây dựng dự án.

Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam - phân tích, hợp đồng tổng thầu EPC được áp dụng đối với những dự án xây dựng quy mô lớn, yêu cầu hạ tầng và các hệ thống công nghệ, kỹ thuật phức tạp, đồng bộ và đòi hỏi người quản lý dự án có trình độ chuyên môn cao và kiến thức tổng hợp. Còn hợp đồng EPC áp dụng cho gói thầu, hạng mục, công trình trong dự án. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích được ghi nhận thì điểm bất cập lớn hiện nay là các quy định chi tiết, cụ thể lại không thể hiện những yêu cầu khác nhau cho hợp đồng EPC hoặc hợp đồng tổng thầu EPC. Không những thế, nhiều văn bản pháp luật về đấu thầu, tài chính, quản lý dự án còn không xuất hiện cụm từ “tổng thầu EPC”, dẫn đến khó khăn trong quản lý, tổ chức thực hiện, cũng như tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp.

Theo PGS,TS. Thịnh Văn Vinh - Học viện Tài chính, nếu khuôn khổ pháp lý không chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho những tổng thầu kém chất lượng trúng thầu thực hiện các dự án và gây ra những hậu quả khôn lường. Những nhà thầu kém chất lượng không chỉ không đảm bảo chất lượng của dự án, tiến độ thi công, thất thoát vốn đầu tư, nảy sinh nhiều tiêu cực, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và tạo nhiều bức xúc cho xã hội.

Nghiên cứu thực tiễn áp dụng mô hình hợp đồng EPC tại Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế - cho rằng, số lượng tổng thầu EPC có năng lực, uy tín và kinh nghiệm còn ít. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, có thể tổng thầu EPC được lựa chọn chưa hội đủ năng lực, bao gồm cả năng lực kỹ thuật, tài chính và năng lực quản lý, khiến cho nhiều dự án bị chậm tiến độ, chất lượng thấp, không an toàn, thất thoát, lãng phí…

Cần phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước

Trong những năm vừa qua, KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán đối với các dự án, gói thầu thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, trong đó nổi bật là các cuộc kiểm toán Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng (kiểm toán năm 2017); Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (kiểm toán năm 2018); Dự án Cảng nhập than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (kiểm toán năm 2018); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (kiểm toán năm 2020)...

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ, qua kết quả kiểm toán cho thấy, việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn nhiều bất cập, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn, không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng, ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án.

Cụ thể, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, sai phạm về quản lý, thực hiện hợp đồng EPC tại các dự án như việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư; có gói thầu ghi nhận chi phí đầu tư vượt hàng chục tỷ đồng so với đơn giá trọn gói ban đầu trong hợp đồng. Có gói thầu được chỉ định thầu chưa đảm bảo quy định, dẫn đến nhà thầu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện và không giữ đúng tiến độ hợp đồng do chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu dự án có công nghệ phức tạp. Điều này không chỉ khiến cho dự án chậm tiến độ mà thậm chí phải tạm dừng dự án, làm tăng chi phí quản lý dự án và các chi phí phát sinh bảo quản công trình.

PGS,TS. Thịnh Văn Vinh đánh giá, hiện nay, kiểm toán dự án thi công theo hình thức tổng thầu EPC vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Trong khi đó, mục tiêu kiểm toán các dự án theo hình thức tổng thầu EPC không những đem lại thông tin trung thực và tin cậy cho mọi đối tượng sử dụng trong và ngoài nước, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư của Nhà nước. Trước yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi phải tăng cường và không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án thi công theo hình thức tổng thầu EPC.

Theo phân tích của các chuyên gia, nhà quản lý, với quy mô, tính chất của các dự án đầu tư công áp dụng theo hình thức hợp đồng EPC, cũng như với những tồn tại, hạn chế được phát hiện qua kiểm toán thời gian qua, KTNN nên tiếp tục quan tâm kiểm toán đối với các dự án này. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN trong thời gian tới là tập trung kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức EPC, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần nghiên cứu mở rộng quyền hạn của KTNN khi tham gia thực hiện kiểm toán các dự án EPC để có cơ sở tìm hiểu sâu đối với các nội dung có liên quan, từ đó giúp KTNN có những đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về các dự án theo hình thức EPC. Về phía KTNN, cần bổ sung hướng dẫn kiểm toán chi tiết đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trong Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư xây dựng, cũng như cần đào tạo một đội ngũ kiểm toán viên nòng cốt chuyên sâu về kiểm toán dự án EPC. Đồng thời, cần thiết xây dựng mạng dữ liệu lớn của KTNN liên thông với các cơ quan quản lý chuyên ngành để giúp kiểm toán viên có thể tra cứu các thông tin liên quan đến công nghệ, thông số kỹ thuật, giá cả thiết bị… làm cơ sở thực hiện kiểm toán./.

Theo: Báo Kiểm toán số 44
Copy Link
Cùng chuyên mục
Cần tăng cường kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC