Tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC

(BKTO) - Phát biểu ý kiến kết thúc Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức Hợp đồng EPC” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng 02/11, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ, có 2 vấn đề lớn đã được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận.

dsc_4347.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: N.LỘC

Thứ nhất là chỉ ra những mặt được, cũng như những tồn tại, bất cập của các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.

Thứ hai, việc kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC là một mục tiêu trọng tâm của KTNN trong thời gian tới.

Trước đó, phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thực tế việc áp dụng loại hợp đồng EPC còn hạn chế do hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, chưa hoàn thiện và phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình quản lý, thực hiện.

Chẳng hạn, trong quá trình tổ chức thực hiện, dự toán gói thầu được lập trên cơ sở dự án đầu tư, thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư nên khó đảm bảo tính chính xác. Còn nhà thầu thực hiện thiết kế và thi công nên có xu hướng thiết kế để áp dụng tối đa các lợi thế về công nghệ, thiết bị, vật liệu thi công của mình, dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thực hiện công tác thiết kế; khó kiểm soát chi phí xây dựng.

Bên cạnh đó, việc áp dụng loại hợp đồng EPC trọn gói còn gặp một số khó khăn. Đơn cử như theo quy định pháp luật về đấu thầu, xây dựng, hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá hợp đồng; giá gói thầu, giá hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro liên quan đến giá hợp đồng như rủi ro về khối lượng, trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng, trong khi thực tế rất khó tính toán chính xác được các yếu tố rủi ro về khối lượng, trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra những vấn đề vướng mắc tại các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Trong đó, quá trình thực hiện dự án thường yêu cầu phải sửa đổi thiết kế, thay đổi biện pháp thi công, vật liệu và giải pháp công nghệ gắn với sự yếu kém trong chuẩn bị đầu tư và ký kết hợp đồng EPC.

Trong quá trình thực hiện, có những sự khác biệt hay xung đột do yêu cầu riêng về các nguyên tắc giải ngân, điều kiện thanh toán, công tác nghiệm thu kết quả thực tế gắn với các nguồn vốn khác nhau, như vốn nước ngoài, vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước…

Đáng chú ý hơn cả là sự chưa rõ ràng trong hợp đồng EPC về trách nhiệm các bên liên quan trong thực hiện dự án EPC, nhất là trong giải phóng mặt bằng và thực hiện kết luận của KTNN.

ba-duyen.jpg
Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam. Ảnh: N.LỘC

       Những lợi thế và nhược điểm của mô hình tổng thầu EPC đã được KTNN chỉ rõ tại từng dự án khi thực hiện kiểm toán dự án hoàn thành. Chúng tôi đánh giá cao vai trò quan trọng của KTNN trong việc kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính tại các dự án xây dựng; chỉ ra những tồn tại, bất cập của các cơ chế chính sách để hoàn thiện, đảm bảo lợi ích chính đáng cho cả Nhà nước và doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Duyên cũng nhấn mạnh, vấn đề nổi cộm nhất đối với các dự án thực hiện theo hình thức EPC hiện nay chính là các quy định pháp lý còn chưa sát thực; hình thức tổng thầu EPC được điều chỉnh bởi nhiều luật, văn bản quy phạm pháp luật. 

Trong khi việc điều chỉnh hợp đồng thường xuyên xảy ra tại dự án EPC thì việc vận dụng quy định của Việt Nam, hay của quốc tế luôn là vấn đề khó khăn. Giải quyết tốt những vấn đề này sẽ góp phần hạn chế bất cập, vướng mắc dẫn đến tranh chấp hợp đồng trong quá trình thực hiện, từ đó nâng cao hiệu quả của loại hình hợp đồng EPC, mang lại lợi ích cho đất nước.

ong-khanh.jpg
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

Đề cao tầm quan trọng của việc đánh giá năng lực và xác định trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện hợp đồng EPC, đặc biệt là năng lực của tổng thầu, ông Phan Văn Khánh - Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, pháp luật xây dựng hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về xác định năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức khi đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC.

Vấn đề này cũng gây nhiều khó khăn, lúng túng khi xét năng lực, kinh nghiệm trong quá trình lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng. Do đó, cần có quy định bổ sung của pháp luật xây dựng về điều kiện năng lực của nhà thầu thực hiện gói thầu EPC.

Trong đó, các tiêu chí chính có thể bao gồm: kinh nghiệm tổ chức quản lý thi công xây dựng các dự án cùng loại và quy mô tương tự với vai trò là tổng thầu thi công xây dựng; có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng công trình chính cấp cao nhất của dự án; có kinh nghiệm trong tổ chức quản lý thiết kế xây dựng của dự án tương tự.

Trường hợp dự án có nội dung cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình là chủ yếu thì tiêu chí chính cần được xem xét để xác định năng lực của nhà thầu EPC là năng lực về tổ chức cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình chính cấp cao nhất của dự án.

Đồng thời các quy định của pháp luật đấu thầu về đánh giá năng lực kinh nghiệm nhà thầu cần được sửa đổi đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật xây dựng.

Đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, các ý kiến đã nêu rõ việc thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập và thẩm định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án; khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng; công tác quản lý tiến độ; nghiệm thu, thanh toán; chấp hành chế độ tài chính, kế toán và các quy định khác...

dsc_4410.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

Đáng chú ý, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý việc thực hiện hợp đồng EPC như: bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định rõ ràng, chặt chẽ đối với hợp đồng EPC; quản lý hồ sơ mời thầu và xét duyệt năng lực tổng thầu một cách công khai, khách quan, minh bạch; soạn thảo hợp đồng rõ ràng, đầy đủ, chi tiết; kiểm soát tốt việc điều chỉnh hợp đồng…

Để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, các đại biểu cho rằng KTNN cần sớm ban hành các văn bản, quy định về phương pháp, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực hợp đồng EPC, trong đó lưu ý phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, áp dụng kiểm toán hoạt động trong việc thực hiện kiểm toán hợp đồng EPC.

Cùng với đó, trong quá trình tổ chức kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC, nếu cần thiết KTNN thực hiện thuê chuyên gia để cùng thực hiện; chú trọng kiểm toán các nội dung điều chỉnh hợp đồng, nhất là các điều chỉnh liên quan đến vật tư, kỹ thuật, giá trị hợp đồng; tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ kiểm toán viên nhà nước gắn với lĩnh vực chuyên sâu là kiểm toán đầu tư dự án, kiểm toán dự án EPC.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng EPC…/.

Cùng chuyên mục
Tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC