Cần thiết đưa giao dịch tiền ảo vào khung khổ pháp lý

(BKTO) - Giao dịch tiền ảo đang trở thành làn sóng, thu hút sự quan tâm của giới tài chính trên toàn cầu. Hoạt động này cũng đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam và biến tướng sang nhiều hình thức khác. Trước thực tế đó, ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.



Giao dịch tiền ảo tiềm ẩnrủi ro

Theo phân tích của giới chuyên gia, tiền ảo là loại tiền không có hình hài vật lý cụ thể, không có giá trị thực và chỉ được sử dụng, giao dịch trong môi trường điện tử. Tiền ảo không phải là tiền pháp định ở một quốc gia, lãnh thổ nào và không được phát hành hoặc không được bảo đảm bởi bất cứ một quốc gia, lãnh thổ nào và các chức năng của tiền ảo chỉ được thực hiện từ thoả thuận trong cộng đồng người sử dụng loại tiền ảo đó.

Theo thống kê của sàn giao dịch Coinmarketcap.com, thị trường toàn cầu hiện có hơn 800 loại tiền ảo với tổng giá trị 152 tỷ USD; trong đó, bitcoin có giá trị vốn hóa chiếm gần 50% thị trường, lên tới 69,4 tỷ USD. Cơn sốt tiền ảo trên toàn cầu mà chủ chốt là đồng bitcoin đã trở nên sôi động vào cuối tháng 8 vừa qua khi đồng tiền này đã có lúc lập mức giá kỷ lục hơn 5.000 USD/bitcoin rồi nhanh chóng giảm mạnh.

Giao dịch tiền ảo đã xâm nhập vào Việt Nam cách đây hơn 5 năm. Đặc biệt, kể từ tháng 12/2016 đến nay, thị trường tiền ảo phát triển nhanh, lôi kéo ngày càng đông người tham gia. Chỉ trong vòng 4 tháng, đồng bitcoin đã tăng giá gấp 4 lần, từ 950 USD (4/2017) lên khoảng 4.200 USD/bitcoin (8/2017). Các loại tiền ảo khác cũng tăng giá mạnh.

Hoạt động giao dịch, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp không chỉ ở những thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội… mà còn lan rộng sang nhiều tỉnh, thành khác. Các hoạt động giao dịch tiền ảo, nhất là hình thức mua bán bitcoin ngầm diễn ra khá sôi động. Điều đáng nói là hoạt động này đang bị biến tướng sang nhiều hình thức khác. Giao dịch tiền ảo ngầm có thể tiềm ẩn sự gia tăng các giao dịch phi pháp như rửa tiền, các hình thức lừa đảo đa cấp và kèm theo những rủi ro nếu Nhà nước không có công cụ để quản lý.

Quản lý nhưng không bảo hộ giao dịch tiền ảo

Trước thực trạng trên, vấn đề quản lý và xử lý giao dịch tiền ảo đã được đặt ra đối với Việt Nam. Minh chứng là mới đây, Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp hoàn thành việc chủ trì, rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam trước tháng 8/2018 và nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo đến cuối tháng 8/2018. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 6/2019. Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.

Với việc ban hành Đề án trên, giới đầu tư mong muốn Chính phủ sẽ sớm đưa ra những chính sách để quản lý tiền ảo. Bởi, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu Nguyễn Việt Thắng, hiện tại, các giao dịch tiền ảo chưa được quản lý chặt chẽ, tài sản của giới đầu tư chưa được đảm bảo.

Nhìn nhận về việc phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM - cũng cho rằng, đây là một sự chuẩn bị hết sức cần thiết, kịp thời và phù hợp của Chính phủ để đón đầu, từng bước tạo hành lang pháp lý trong việc ứng xử với các loại tài sản và đồng tiền công nghệ trong tương lai. Hơn nữa, ở Việt Nam, hoạt động giao dịch tiền ảo ngầm với nhiều biến tướng đang khiến nhiều người bị “đầu độc” vì thiếu thông tin, kiến thức. Bởi vậy, “việc đưa các đồng tiền ảo vào quản lý là hết sức cần thiết” - Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ thống tài chính, năng lực điều hành chính sách tiền tệ, hành vi của công chúng… chưa phù hợp để Việt Nam thừa nhận tiền ảo như một đồng tiền đích thực. Do đó, giới đầu cơ cần phải nhận thức rõ việc phê duyệt Đề án nghiên cứu về tiền ảo không có nghĩa là giao dịch tiền ảo sẽ được thừa nhận và bảo hộ trong tương lai.

Từ đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông cáo báo chí khẳng định, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Trả lời báo chí mới đây, NHNN cũng đã một lần nữa khẳng định lại quan điểm này.

Như vậy, trong khi Việt Nam chưa chấp nhận các giao dịch tiền ảo và cũng chưa có khuôn khổ pháp lý về quản lý tiền ảo thì nhà đầu cơ sẽ buộc phải chấp nhận những rủi ro khó lường khi tham gia vào kênh đầu tư này.

NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 14-9-2017
Cùng chuyên mục
  • Đánh thuế sở hữu nhà thứ hai:  Nhiều ý kiến trái chiều
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên để bình ổn thị trường bất động sản (BĐS), chống đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế này sẽ tác động xấu tới thị trường BĐS.
  • Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ nhiều bất cập trong xử lý nợ xấu, sở hữu chéo
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chiều 18/9, tại HàNội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã phối hợp với KTNNchuyên ngành VII tổ chức Tọa đàm Nợ xấu và sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng(TCTD) trong giai đoạn hiện nay và vai trò của KTNN.
  • Cần cân nhắc để đạt lợi ích tổng thể tốt nhất
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 5 luật về thuế. Theo lộ trình cải cách thuế, cơ cấu lại nguồn thu cho phù hợp với tiến trình hội nhập, cắt giảm thuế quan, thì việc điều chỉnh tăng giảm một số sắc thuế, trong đó có tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) là việc phải làm để đảm bảo sự ổn định của ngân sách của nhà nước và phù hợp với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp.
  • Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng:  Lượng chưa gắn liền với chất
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Kết luận về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do Thanh tra Chính phủ công bố mới đây và ngay sau đó là việc NHNN thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm cho thấy, công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) còn nhiều bất cập.
  • Thêm biện pháp kiểm soát  sở hữu chéo ngân hàng
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mạng nhện sở hữu chéo đã từng bước được tháo gỡ trong giai đoạn cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) 2011-2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn còn tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các TCTD khác vượt mức cho phép. Bởi vậy, kiểm soát sở hữu chéo vẫn là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước đặt ra khi các ngân hàng bước vào giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu.
Cần thiết đưa giao dịch tiền ảo vào khung khổ pháp lý