Mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã khảo sát trên các tuyến sông Hậu (rạch Khai Luông và Cồn Khương), sông Bình Thủy, sông Cần Thơ thuộc địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền.
Đây là các tuyến sông có các cảng, bến, điểm dừng phục vụ các tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa trên địa bàn Cần Thơ sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới để phục vụ phát triển kinh tế, đô thị ven sông của thành phố.
Sau khi khảo sát, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND thành phố chuyển đổi công năng của một số cảng, bến có nguy cơ xung đột giao thông với các tuyến đường bộ trong tương lai, chuyển sang phục vụ du lịch là chính và khai thác quỹ đất thương mại dịch vụ xung quanh, kết hợp với bến du thuyền để phục vụ phân khúc khách cao cấp.
Sở Xây dựng sớm nghiên cứu một số vị trí dọc các tuyến sông Cần Thơ, sông Bình Thủy, rạch Khai Luông… để thực hiện quy hoạch 1/2000 và quy hoạch đô thị dọc theo sông, làm cơ sở khai thác quỹ đất hoặc cho phép người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển các khu đô thị cao tầng ven các tuyến sông này.
Người đứng đầu Thành ủy Cần Thơ yêu cầu Sở Xây dựng phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở pháp lý để triển khai khi phù hợp.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ, Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có định hướng quy hoạch phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa (các tuyến buýt đường thủy) và xây dựng các cảng, bến, điểm dừng đón trả khách phục vụ kết nối với các tuyến buýt đường thủy trên 2 tuyến đường thủy nội địa quốc gia là sông Hậu và sông Cần Thơ.
UBND TP. Cần Thơ đã có Tờ trình số 103/TTr-UBND ngày 4/6/2024 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Cần Thơ, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.
Để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách và mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến buýt đường thủy nói trên, Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ đang kiến nghị UBND thành phố thuê Tư vấn lập Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố.
Được biết, liên quan đến việc nâng cao năng lực giao thông đường thủy trên địa bàn vùng sông Cửu Long nói chung, Thành phố Cần Thơ nói riêng, Ngân hàng Thế giới cũng tài trợ vốn cho Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Dự án nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông - Tây kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải.
Theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo tuyến luồng đường thủy nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trên hành lang Đông - Tây qua sông Hậu (thành phố Cần Thơ), nối với cảng của TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, dự án còn giải quyết điểm nghẽn trên hành lang Bắc - Nam trên các tuyến đường sông khu vực này.
Việc nâng cấp Hành lang vận tải Đông - Tây sẽ giúp giảm khoảng 30% khoảng cách vận chuyển giữa cảng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và cảng có lưu lượng lớn nhất Việt Nam tại TP. HCM.