Cần thúc đẩy triển khai 13 dự án điện khí LNG

(BKTO) - Phát triển nhiệt điện khí, bao gồm khí tự nhiên và khí hóa lỏng (LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 24/6, tại Hà Nội, trong cuộc họp với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023.

lng.jpg
Dự án điện khí LNG tại Bạc Liêu. Ảnh sưu tầm

Phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, việc phát triển nguồn điện nói chung trong thời gian tới được dự báo rất khó khăn, nhất khi thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế.

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt đến năm 2030 của Việt Nam khoảng 150 GW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Vì vậy, thách thức đảm bảo cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia là rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển nguồn điện cân đối giữa các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.

Do đó, phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Đề cập đến vai trò của nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, điện khí LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong Quy hoạch điện VIII, công suất nhiệt điện LNG phục vụ cho nhu cầu trong nước được quy hoạch là 22.400MW, chiếm 14,9% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Cụ thể, có 13 dự án điện LNG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện.

Nêu rõ ưu điểm của các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh, đây chính là nguồn điện chuyển tiếp trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, bởi hoạt động của các nhà máy tạo phát thải C02 và các chất gây ô nhiễm khác thấp hơn rất nhiều so với điện than.

Hơn nữa, công nghệ hiện đại có thể giúp các nhà máy chuyển sang sử dụng khí hydro khi giá thành sản xuất điện từ khí hydro hợp lý hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đúc rút kinh nghiệm triển khai các dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng cho thấy, quá trình chuẩn bị và tiến hành đầu tư xây dựng, cho đến khi vận hành các nhà máy điện này mất khá nhiều thời gian.

Nỗ lực thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án

Thực tế cho thấy, để triển khai một dự án LNG từ lúc có quy hoạch đến khi có thể vận hành nhanh nhất cũng phải tới 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. Nếu việc triển khai các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến phát triển nguồn điện và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, ưu tiên để phát triển các nguồn điện nền tại Việt Nam đến năm 2030, trong đó có các dự án điện khí LNG - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

Bởi chỉ còn 7 năm để thực hiện cho lộ trình 10 năm (đến năm 2030), quy mô nguồn điện phải tăng gấp 2 lần so với hiện nay và cơ cấu nguồn điện thay đổi căn bản theo hướng sạch hơn, cân bằng, ổn định hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, ưu tiên một cách khẩn trương, hiệu quả, chắc chắn, cần huy động được nhiều nguồn vốn, công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Theo đó, đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương cần tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính… để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

“Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư, cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định của Nhà nước.

Các địa phương cũng phải khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2023.

Đồng thời, các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2023; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, vận hành dự án… bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) được giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định dự án khi nhà đầu tư trình đủ hồ sơ theo quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Cùng chuyên mục
Cần thúc đẩy triển khai 13 dự án điện khí LNG