Nhân viên BHXH tỉnh Phú Thọ tư vấn về các chính sách BHXH cho người dân - Ảnh: B.Trân |
Số người nhận BHXH một lần tăng qua các năm
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%). Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc có 561.570 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020.
Theo phản ánh của một số địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, NLĐ bị tạm ngừng việc hoặc mất việc làm cùng với sự thay đổi của chính sách về tuổi hưu khiến tình trạng nhận BHXH một lần có xu hướng ngày càng tăng cao.
Trong đó, theo thống kê của BHXH tỉnh Đồng Tháp, đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh giải quyết cho 10.999 lượt người hưởng BHXH một lần, tăng 1.004 người so với năm 2020. Còn tại tỉnh Yên Bái, số người rút BHXH một lần tăng nhanh 2 năm trở lại đây, cụ thể, năm 2019 toàn tỉnh có 5.752 người, hết năm 2020 có 7.031 người, tăng 1.279 người so với cùng kỳ năm 2019; 6 tháng đầu năm 2021 tỉnh Yên Bái đã có 3.215 người xin hưởng BHXH chế độ một lần.
BHXH Việt Nam cho biết, giai đoạn 2016-2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước. Độ tuổi có số người hưởng BHXH một lần nhiều nhất là từ 26-29 tuổi; bình quân tuổi hưởng BHXH một lần (bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.
Tỷ lệ hưởng BHXH một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn 2016-2019 là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới. Phân tích theo thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu cho thấy, trong giai đoạn này, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là những NLĐ sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH (trung bình chiếm khoảng 97%).
Cần tăng quyền lợi cho người lao động
Theo tính toán của các chuyên gia, thu nhập của NLĐ đang quá thấp, chỉ đủ để đảm bảo cuộc sống trước mắt, tích lũy chỉ đảm bảo khoảng 15%; thực trạng chung là nghỉ việc sẽ hết tiền và dẫn đến xu hướng nhận BHXH một lần. Thực tế này cần phải có giải pháp cải thiện cuộc sống, bảo đảm việc làm cho NLĐ một cách tốt hơn. Đồng thời, cần sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách BHXH một lần, có sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bằng công cụ chính sách để NLĐ tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.
Đại diện Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề xuất, để giảm tình trạng NLĐ lựa chọn việc hưởng BHXH một lần, Nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ. Bởi, chỉ khi NLĐ có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng BHXH để thụ hưởng khi về già.
Bên cạnh đó, cần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, như: tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác…).
Qua đó, góp phần tăng thêm cơ hội cho những NLĐ sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu thay vì hưởng BHXH một lần.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông để NLĐ nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH trong việc ổn định đời sống. Đặc biệt, trước băn khoăn của nhiều NLĐ cho rằng tích lũy dưới hình thức gửi tiết kiệm sẽ tốt hơn, cần giải thích để NLĐ hiểu rõ tham gia BHXH là phương án có tính chất chiến lược dài hơi hơn, cũng là hình thức tiết kiệm an toàn và bảo đảm lợi ích lâu dài.
Cùng với đó, cơ quan BHXH cần tăng cường sự hợp tác với các trung tâm giới thiệu việc làm để kết nối việc làm cho NLĐ, tránh gián đoạn, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Mặt khác, cần tạo môi trường cho DN đầu tư phát triển, giảm thiểu việc sa thải NLĐ; khuyến khích DN có chính sách sử dụng lâu dài những người yếu thế trong xã hội.