Cần xác định lại đầu mối quản lý và phạm vi nợ công

(BKTO) - Theo lịch trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua vào ngày 23/11 tới đây. Để hoàn thiện Dự thảo, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể dựa trên thực trạng nợ công của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xác định phạm vi nợ và đầu mối quản lý.



Nên quản lý nợ côngtheo một đầu mối

Theo Dự thảo Luật Quản lý nợ công (QLNC), vấn đề nợ công sẽ được quản lý bởi 3 đầu mối, cụ thể: Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế...

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, việc quản lý nợ công nên theo một đầu mối vì cách làm này sẽ gắn được trách nhiệm vay, phân bổ, sử dụng vốn với trách nhiệm cân đối nguồn cũng như trách nhiệm trong việc gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, việc gộp các bộ phận QLNC về một cơ quan sẽ giúp tăng niềm tin, giảm phiền hà đối với người cho vay, từ đó vấn đề chi phí vay và điều kiện vay cũng có thể được hưởng những lợi ích nhất định.

Phương thức quản lý theo một đầu mối còn giúp Nhà nước nhanh chóng có được bức tranh tổng thể về nợ công, thay vì phải ghép nhiều mảnh như hiện nay. Điều này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác phân tích, giảm rủi ro của nợ, đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, giảm các đầu mối tài chính trung gian, từ đó giảm chi phí vay.

Trong bài nghiên cứu “Đánh giá Luật QLNC tại Việt Nam và một số hàm ý chính sách” công bố ngày 07/11, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - đã đưa ra 2 khuyến nghị liên quan đến đầu mối QLNC: Một là, nên quy định thẩm quyền quản lý nợ thuộc về một cơ quan, thường là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, nhằm tránh tình trạng phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lý nợ.

Theo đó, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giải trình nợ công từ khâu đàm phán, vay nợ, quản lý sử dụng nợ cho đến việc lên kế hoạch trả nợ, từ đó tăng tính thống nhất, hiệu quả trong QLNC, tạo điều kiện giảm thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy. Hai là, cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật QLNC với Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật DN và Luật Ngân hàng Nhà nước.

Phạm vi nợ công phải phù hợp với thực tế

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, để quản lý nợ công chặt chẽ và hiệu quả, Luật phải giải quyết được một trong những vấn đề gốc rễ là xác định phạm vi nợ công phù hợp. Hiện nay, Dự thảo Luật QLNC vẫn chưa quy định nội dung giám sát các khoản vay, nợ không tính vào nợ công, trong khi đó, nếu xảy ra rủi ro đối với các khoản này, Nhà nước hoặc NSNN vẫn phải gánh chịu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) và Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng, cần nghiên cứu thêm các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh đối với DN 100% vốn nhà nước và DNNN nắm cổ phần chi phối. Trên danh nghĩa, đây là các khoản nợ tự vay, tự trả nhưng thực tế DN vẫn thường nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ dưới hình thức bổ sung vốn, giãn nợ, xóa nợ… Nguồn hỗ trợ này cuối cùng đều góp phần gây nên tình trạng tăng chi tiêu ngân sách, ảnh hưởng tới nợ công.

Ngoài ra, cũng có ý kiến thảo luận cho rằng, nợ cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, nợ hoàn Thuế Giá trị gia tăng đều là những khoản nợ phải bố trí nguồn ngân sách để trả, nếu không tính vào nợ công thì sẽ dẫn đến rủi ro trong quá trình điều hành ngân sách.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất: Luật cần bổ sung một số chỉ tiêu tham chiếu khác về an toàn nợ công mà nhiều nước và nhiều tổ chức tài chính quốc tế thường dùng, như: nghĩa vụ nợ nước ngoài của quốc gia trên tổng dự trữ ngoại hối; nợ công bình quân đầu người… Đặc biệt, Việt Nam cần dùng chỉ tiêu đặc thù là nợ xấu khó đòi của khu vực DNNN so với tổng sản phẩm quốc nội. Bởi thực tế cho thấy, nợ của khu vực DNNN, kể cả nợ tự vay, tự trả hay nợ được bảo lãnh đều luôn là một trong những áp lực mạnh đẩy trần nợ công trong suốt nhiều năm qua và có thể cả trong những năm tới.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, phạm vi nợ công trong Luật hiện hành cũng như trong Dự thảo Luật QLNC (sửa đổi) không nhất thiết phải điều chỉnh. Song, cần có cơ chế tăng cường giám sát, quản lý, đánh giá và kiểm soát rủi ro tiềm ẩn của các khoản nợ do DNNN tự vay, tự trả (cả tiền kiểm và hậu kiểm). Từ đó, hạn chế tối đa tình trạng ngân sách phải trả nợ thay cho các DNNN bị phá sản, đồng thời quy định chặt chẽ hơn việc Chính phủ bảo lãnh vay nợ cho các DN; thực hiện các biện pháp siết chặt và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.

HẢI LY
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017
Cùng chuyên mục
Cần xác định lại đầu mối quản lý và phạm vi nợ công