Công khai sớm để tăng cường minh bạch ngân sách
Theo Luật NSNN, Việt Nam phải công khai Dự thảo Dự toán NSNN lần đầu tiên vào năm 2017. Việc công khai này cần được thực hiện chậm nhất là 5 ngày kể từ khi Chính phủ trình Quốc hội và UBND trình HĐND.
Tại cuộc Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Dự toán ngân sách năm 2018 do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) vừa tổ chức, bà Ngô Minh Hương - Đại diện BTAP - cho biết, theo Báo cáo hướng tới minh bạch tài khóa Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện, giai đoạn 2006-2015, Việt Nam chỉ đạt 20/100 điểm về công khai, minh bạch ngân sách, đứng thứ 17/100 nước công khai ngân sách ở mức tối thiểu. Với việc công khai sớm như lần này, Việt Nam có thể đạt từ 40-50 điểm, tăng gấp đôi so với hiện tại. Tuy nhiên, bà Hương cũng chia sẻ, việc đóng góp ý kiến cho dự toán ngân sách tóm tắt trong một khoảng thời gian ngắn vẫn là thách thức lớn đối với giới chuyên gia.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề công khai thông tin cần phải được tăng cường hơn nữa, bởi ngay cả những điều đã được quy định trong Luật như thời hạn công khai thì nhiều người dân cũng chưa được biết. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn hơn, phân định trách nhiệm rõ ràng hơn và mỗi đầu việc chỉ nên giao cho một đơn vị.
Mặc dù đánh giá cao việc công khai Dự thảo Dự toán ngân sách nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, trong tương lai, Dự thảo này có thể được cải thiện tốt hơn nếu cơ quan soạn thảo làm rõ các nội dung như: thông tin cụ thể về sự thay đổi trong việc phân bổ ngân sách đối với một số Bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực; lý giải về sự thay đổi đó và đưa chi tiết hơn về những khoản chi lớn trong mỗi lĩnh vực như giáo dục mầm non, phổ thông, đại học… Làm được như vậy, người dân mới có thể hiểu và góp ý vào Dự thảo để việc xây dựng dự toán NSNN minh bạch hơn, hiệu quả hơn.
Vẫn còn nhiều băn khoăntừ chuyên gia
Đi vào các nội dung cụ thể của Dự thảo, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Dự thảo cần thể hiện được những vấn đề then chốt nhất của việc thu, chi ngân sách trong giai đoạn mới. Cụ thể là: những nỗ lực tái cơ cấu của Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến ngân sách; cần áp dụng “nguyên tắc vàng” đối với ngân sách như thu phải lớn hơn chi thường xuyên; phân tích rõ việc phân bổ ngân sách năm 2018 cho các lĩnh vực, địa phương, Bộ, ngành có khác biệt gì so với trước đây.
Năm 2016, bội chi ngân sách là 6,1% GDP. Còn theo Dự thảo, bội chi ngân sách năm 2017 ước thực hiện là 3,5% GDP và bội chi ngân sách năm 2018 ước tính là 3,7% GDP. Theo ông Thành, sự khác biệt này không phải do Việt Nam giảm được bội chi ngân sách mà do thay đổi cách tính bội chi. Bởi vậy, cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ những thay đổi trên nhằm đảm bảo tính minh bạch và gắn với trách nhiệm giải trình…
Để xây dựng Dự thảo, các nhà hoạch định đã dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7% và một số chỉ tiêu khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% GDP trong năm 2018 là khá tham vọng. Trong trường hợp tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu này, việc thực hiện thu đạt dự toán là khá khó khăn. Do đó, Dự thảo cần phân tích rõ các rủi ro và biện pháp xử lý đối với trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu dự tính.
Theo các chuyên gia, thông tin về chi ngân sách, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển và chi cho môi trường chưa được nêu chi tiết trong Dự thảo. Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội - cho biết: năm 2018, dự toán chi ngân sách cho đầu tư phát triển là 399.700 tỷ đồng, trong khi khoản chi này của năm 2017 là 357.150 tỷ đồng. Trên thực tế, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2017 lại rất chậm nên đã dẫn đến tồn ngân. Do vậy, dù biết việc tăng tỷ trọng chi tiêu cho đầu tư phát triển là xu hướng đúng đắn nhưng ông Tân vẫn băn khoăn về khả năng giải ngân vốn đầu tư của năm 2018.
Cũng liên quan đến nội dung này, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Dự thảo không nêu cụ thể sẽ ưu tiên vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực nào nên người dân khó phân tích và xác thực về đầu tư công. Ông Thành khuyến nghị, Nhà nước nên đầu tư cho các công trình lợi ích công cộng và thu hút tư nhân đầu tư vào các dự án có tiềm năng mang lại lợi nhuận.
Năm 2018, tổng thu thuế từ hoạt động bảo vệ môi trường được dự toán là 49.324 tỷ đồng, Thuế Tài nguyên là 18.448 tỷ đồng, chi cho bảo vệ môi trường là 2.100 tỷ đồng. Theo đánh giá của GS. TSKH Đặng Hùng Võ, khoản ngân sách chi cho bảo vệ môi trường như thế là chưa hợp lý. Nhà nước nên xem xét, tạo cơ chế để các địa phương có thêm nguồn thu cho lĩnh vực này, đồng thời phải tăng cường giám sát để đảm bảo việc chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 02-11-2017