Tạo thuận lợi để thị trường cho thuê tài chính phát triển

(BKTO) - Công ty cho thuê tài chính và hoạt động cho thuê tài chính xuất hiện tại Việt Nam đã gần 20 năm. Tuy nhiên, đến nay, thị trường cho thuê tài chính vẫn chưa phát triển và chưa được nhiều DN, nhất là những DN nhỏ và vừa biết đến.



DN chưa biết nhiều về dịch vụ cho thuê tài chính

Cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê tài sản (máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, văn phòng, công trình xây dựng…) trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê là các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng và bên thuê là khách hàng. Bên cho thuê tài chính mua tài sản theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu với các tài sản thuê; bên thuê sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê suốt thời hạn thuê. Hay nói cách khác, cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản.

Công ty cho thuê tài chính thường chọn phân khúc khách hàng là DN nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ, đây là những DN không có đủ khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hoặc không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Khi tiếp cận dịch vụ cho thuê tài chính, DN không cần thiết phải có tài sản bảo đảm. Thời hạn cho thuê tài chính tương đối linh hoạt, tùy thuộc vào thời gian sử dụng tài sản theo quy định; thủ tục hành chính đơn giản, giúp DN giảm gánh nặng chi phí. Hơn nữa, DN đi thuê còn có thể sở hữu, nhận lại tài sản cho thuê đó. Đặc biệt, DN sẽ có điều kiện sử dụng công nghệ mới, đổi mới kỹ thuật, tiếp cận gần như 100% nguồn vốn hình thành nên tài sản từ các công ty cho thuê tài chính. Đây được coi là một trong những kênh giúp DN, nhất là những DN nhỏ và vừa huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, có điều kiện để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù cho thuê tài chính có nhiều ưu điểm song không ít DN vẫn chưa biết đến dịch vụ này. Minh chứng là, trong số 1.000 DN thuộc các ngành nghề khác nhau được khảo sát, có tới hơn 70% DN trả lời rất ít và chưa bao giờ tìm hiểu dịch vụ cho thuê tài chính, gần 20% hoàn toàn không biết về dịch vụ này, thậm chí có DN còn hiểu sai về hoạt động cho thuê tài chính.

Thực trạng trên một phần bắt nguồn từ hoạt động còn nhiều hạn chế của các công ty cho thuê tài chính. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam hiện chỉ có hơn 10 công ty cho thuê tài chính. Hầu hết các công ty này đều có vốn điều lệ ít, thiết kế sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn đối với DN. Nếu năm 2012, tổng vốn điều lệ của các công ty cho thuê tài chính là 3.098 tỷ đồng, dư nợ cho thuê là 15.540 tỷ đồng, số lượng khách hàng là 2.161 khách hàng thì đến năm 2016, tổng vốn điều lệ đã giảm xuống còn 2.561 tỷ đồng, dư nợ cho thuê là 8.712 tỷ đồng, số lượng khách hàng là 1.404 khách hàng.

Không chỉ giảm dần về quy mô hoạt động, một số công ty cho thuê tài chính nước ngoài đã bị NHNN thu hồi giấy phép hoạt động do vi phạm các quy định của pháp luật, điển hình là Công ty Cho thuê tài chính ANZ/V-TRAC. Bên cạnh đó, qua kiểm toán việc thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD năm 2015, KTNN chỉ ra rằng, hoạt động của các công ty cho thuê tài chính trong nước còn nhiều hạn chế. Điển hình là, Công ty Cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy có tình hình tài chính rất yếu kém, Tòa án cũng đang làm thủ tục phá sản Công ty Cho thuê tài chính ALC II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, phần lớn các DN chỉ tập trung vào kinh doanh, thiếu kiến thức về tài chính, cộng với những khó khăn về cơ chế, chính sách khiến thị trường cho thuê tài chính chưa thực sự phát triển.

Giúp DN tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn

Thực tế cho thấy, những đóng góp của công ty cho thuê tài chính sẽ giúp cân bằng sự phát triển giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, đồng thời gia tăng thêm nguồn vốn trung và dài hạn cho DN, nhất là những DN nhỏ và vừa. Bởi vậy, đẩy mạnh dịch vụ cho thuê tài chính và phát triển thị trường tiềm năng này là yêu cầu tất yếu.

Việc phát triển dịch vụ cho thuê tài chính phụ thuộc nhiều vào các bên liên quan. Theo đó, “các công ty cho thuê tài chính cần đa dạng hóa các sản phẩm, tăng cường năng lực về thẩm định, đánh giá DN; đồng thời tích cực sử dụng công nghệ thông tin để góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động” - Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực khuyến nghị. Cùng với đó, để tiếp cận tốt dịch vụ cho thuê tài chính, các DN, nhất là những DN nhỏ và vừa cũng cần phải nâng cao tính minh bạch trong hoạt động.

Mặt khác, hiện nay, khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ cho thuê tài chính còn thiếu, các công ty cho thuê tài chính vẫn chủ yếu hoạt động theo Luật Các TCTD 2010. Từ đây, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi để dịch vụ cho thuê tài chính phát triển.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần học hỏi kinh nghiệm cho thuê tài chính của các công ty trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, áp dụng linh hoạt vào thực tế nước ta để đẩy mạnh phát triển thị trường cho thuê tài chính, giúp DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn.

NGỌC MAI
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017
Cùng chuyên mục
  • Phát động Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tài chính
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mới đây, BộTài chính đã phát động cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tàichính” nhằm nêu bật những kết quả, thành tích đạt được trong công tác tàichính, ngân sách, khẳng định vai trò của ngành Tài chính đối với sự nghiệp xâydựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua giải, Bộ Tài chính hy vọng sẽ nhậnđược những giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng nền tài chính quốcgia vững mạnh.
  • Từng bước cơ cấu lại  chi ngân sách nhà nước
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - 9 tháng năm 2017, thu ngân sách tăng lên và bội chi chỉ bằng 1,85% GDP, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016 và 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, bức tranh thu - chi NSNN vẫn bộc lộ những bất cập. Đó là cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao; trong khi chi đầu tư phát triển giảm.
  • Khó giảm bội chi ngân sách nhà nước
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nếu tăng trưởng kinh tế dự báo cả năm 2017 không đạtmục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,7%) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉtiêu về tài chính - ngân sách, nhất là việc giữ mức bội chi NSNN (3,5% GDP) vàmức nợ công (dưới 65% GDP), trong giới hạn Quốc hội đã quyết định. Đây là nhậnđịnh của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (TCNS) nêu trong báo cáo thẩmtra sơ bộ về tình hình thực hiện NSNN năm 2017, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hộitại phiên họp ngày 12/10 - cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kếhoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
  • Cải cách chính sách thuế để tăng tỷ lệ động viên vào ngân sách
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chính sách động viên NSNN được coi là công cụ đắc lực, đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế; góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, bền vững. Trong điều kiện thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, cơ cấu chi chưa phù hợp, bội chi và nợ công tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải sớm xây dựng chính sách động viên NSNN phù hợp với thực tế của đất nước và thông lệ quốc tế.
  • Cần thiết đưa giao dịch tiền ảo vào khung khổ pháp lý
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Giao dịch tiền ảo đang trở thành làn sóng, thu hút sự quan tâm của giới tài chính trên toàn cầu. Hoạt động này cũng đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam và biến tướng sang nhiều hình thức khác. Trước thực tế đó, ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Tạo thuận lợi để thị trường cho thuê tài chính phát triển