Cao Bằng: Khẩn trương giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Kết luận buổi giám sát, đại diện Đoàn công tác liên ngành Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh Cao Bằng khẩn trương giải ngân các nguồn vốn đầu tư 3 CTMTQG đúng tiến độ, kế hoạch năm 2024 - 2025.

pho-chu-tich-ubnd-tinhtrinh-truong-huy-phat-bieu-tai-buoi-lam-viec..jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguồn baocaobang.vn

Đoàn công tác liên ngành Trung ương do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương làm Trưởng đoàn giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tại tỉnh Cao Bằng.

Theo báo cáo tại buổi giám sát, năm 2023, nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG là 3.542,39 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.280,313/3.301,975 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch.

Nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương giải ngân 91,487/107,185 tỷ đồng đạt 85% kế hoạch (ngân sách tỉnh 80,087/89,660 tỷ đồng, đạt 89,32% kế hoạch, ngân sách huyện 11,409/17,525 tỷ đồng, đạt 65,10% kế hoạch).

Nguồn vốn vay tín dụng, huy động doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cộng đồng dân cư giải ngân hết theo tiến độ dự án.

Về kết quả CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội (KT - XH) nông thôn, đến nay, có 40/139 xã đạt tiêu chí giao thông; 129 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai; 87/139 xã đạt tiêu chí điện; 38/139 xã đạt tiêu chí trường học; 20/139 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 79/139 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 74/139 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông.

Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từng bước nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển ngành nghề nông thôn; du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, DN khởi nghiệp nông thôn.

Duy trì, giữ vững 17 xã đạt chuẩn NTM, có thêm 5 xã đạt 17 - 18 tiêu chí; bình quân đạt 13 tiêu chí/xã; giảm 30 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Toàn tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; có 25 xóm NTM, đạt 24,5% kế hoạch; 3 xóm NTM kiểu mẫu, đạt 150% kế hoạch.

Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống KT - XH gắn với quá trình đô thị hóa: Quản lý quy hoạch nông thôn đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

CTMTQG giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn 1.286,645 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 1.125,662 tỷ đồng, ngân sách địa phương 13,982 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/01/2024, giải ngân vốn ngân sách Trung ương 838,864/1.108,582 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch; ngân sách địa phương 13,808 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch, vốn huy động xã hội hóa giải ngân 100%.

Đầu tư cơ sở hạ tầng KT - XH trên 200 lượt công trình; hỗ trợ 94 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa các mô hình sinh kế, triển khai trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập khá, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu cho người nghèo.

CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có tổng vốn ngân sách Trung ương 1.945,587 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương 74,159 tỷ đồng (đối ứng vốn đầu tư). Giải ngân vốn ngân sách Trung ương 1.250,096/1.945,587 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch, vốn đối ứng ngân sách địa phương 41,36/74,195 tỷ đồng đạt 55,745 % kế hoạch.

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã hỗ trợ 186/550 nhà ở; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.427/6.269 hộ; đầu tư 62/86 công trình nước sinh hoạt tập trung; triển khai 8 dự án, sắp xếp, bố trí, ốn định dân cư ở những nơi cần thiết, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất 250.131,14 ha, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ) 62.538,41 ha.

Trợ cấp 11.618,6 tấn gạo cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Thẩm định 30 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho hộ nghèo, cận nghèo; 9 dự án hỗ trợ theo chuỗi giá trị; 270 dự án hỗ trợ cộng đồng cho hộ nghèo, cận nghèo.

thu-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-bui-hoang-phuong-phat-bieu-ket-luan..jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu kết luận. Ảnh: Nguồn baocaobang.vn

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Trường Huy nhấn mạnh, Cao Bằng xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên nhu cầu đầu tư hạ tầng KT - XH, chính sách an sinh xã hội cho huyện, xã nghèo còn rất nhiều. Mức đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội từ cơ sở.

Phó Chủ tịch Trịnh Trường Huy đề nghị bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, xem xét tăng thêm nguồn lực đầu tư cả 3 CTMTQG cho tỉnh những năm tới; xem xét sửa đổi, hướng dẫn tiêu chí số 11 nghèo đa chiều theo hướng chỉ đánh giá tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, không đánh giá tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều đối với các địa phương ở miền núi.

Kết luận buổi giám sát, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương đại diện Đoàn công tác liên ngành Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Cao Bằng khẩn trương giải ngân các nguồn vốn đầu tư 3 CTMTQG đúng tiến độ, kế hoạch năm 2024 - 2025.

Quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, nội dung trùng lặp, chưa đầy đủ, bất cập giữa các CTMTQG cần sớm kiến nghị để đoàn công tác tổng hợp báo cáo các bộ, ngành có thẩm quyền điều chỉnh. Rà soát các dự án, đảm bảo đầu tư theo phân cấp, các văn bản địa phương ban hành đối chiếu với chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương, nếu có bất cập đề xuất để điều chỉnh phù hợp, không trùng lặp, không để xảy ra bất cập với địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát phân cấp đầu tư, chậm giải ngân và tìm nguyên nhân để đề xuất điều chỉnh kịp thời...

Các đề xuất kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ trình các bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền sớm xem xét, trả lời./.

Cùng chuyên mục
Cao Bằng: Khẩn trương giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia