Giải cứu dự án Bắc Giang - Lạng Sơn
Sau nhiều năm đình trệ, nhà đầu tư đứng đầu liên danh là UDIC phải rời đi, khi nhiều nhà đầu tư góp vốn đứng trước nguy cơ mất vốn, mất việc khi vừa làm nhà đầu tư vừa làm nhà thầu.
Nhà đầu tư mới đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mời vào tiếp quản, phối hợp với tỉnh Lạng Sơn vừa giải phóng mặt bằng (GPMB) đồng thời chuyển Cơ quan có thẩm quyền (CQCTQ) từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn và dự án đã được hoàn thành trong vòng 18 tháng.
Đây là kỷ lục về GPMB và thi công nhanh nhất của tuyến cao tốc trong ngành giao thông cho tới thời điểm hiện nay.
Kể từ khi đưa vào vận hành từ tháng 01/2020, tuyến cao tốc này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển Hà Nội và Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ so với di chuyển trên Quốc lộ 1. Đây là đường giao thông huyết mạch, một trong 7 tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội, đảm bảo an ninh - quốc phòng các địa phương trong vùng, giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và thúc đẩy dịch vụ, phát triển sản xuất của địa phương.
Đặc biệt tuyến cao tốc này đã giúp cho chính Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu đề xuất ra hướng tuyến kết nối mới cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, khi giảm tổng mức đầu tư từ 47 nghìn tỷ đồng xuống còn 23 nghìn tỷ đồng, rút ngắn chiều dài tuyến theo quy hoạch từ 144km xuống còn 121km.
Dự án này sẽ được khởi công hoàn thành năm 2024 - 2026. So với các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam hiện nay, thì cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là tuyến cao tốc chuẩn khi có 2 làn đường mỗi bên và làn dừng khẩn cấp.
4 năm qua, cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn từng ngày từng giờ phục vụ nhu cầu đi lại thông suốt của người dân và doanh nghiệp. Dự án cùng các nhà đầu tư được giới truyền thông đặt cho cái tên “nhà giải cứu dự án” hiện đang gặp hàng loạt vướng mắc, bất cập kéo dài chưa được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm.
Tại cuộc họp ngày 22/12/2023, phía doanh nghiệp dự án khẳng định, dù dự án hoàn thành đã nhiều năm, nhưng đến nay mới chỉ có phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được đóng đầy đủ. Phần vốn tín dụng, ngân hàng Vietinbank đã giải ngân 9.229/10.169 tỷ đồng, còn 940 tỷ đồng đến nay chưa được giải ngân, dẫn đến tồn đọng 492 tỷ đồng công nợ dự án. Số tiền này theo kế hoạch, phần lớn dùng để chi trả phần thi công xây lắp.
“Nếu doanh nghiệp dự án phá sản, đường cao tốc có nguy cơ dừng vận hành, các nhà đầu tư có thể mất phần vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào dự án, ngân hàng cấp tín dụng không thu hồi được nợ” - ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nói.
Lý do Vietinbank dừng giải ngân là gì?
Đại diện ngân hàng Vietinbank cho rằng, dự án không đáp ứng phương án tài chính ban đầu, không đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Cơ sở nào để Vietinbank khẳng định vỡ phương án tài chính? Thực tế, doanh thu thu phí - nguồn tiền để hoàn vốn cho dự án chỉ đạt trung bình khoảng 30 tỷ đồng/tháng, tương đương 32% so với phương án tài chính.
Có ba nguyên nhân làm suy yếu trầm trọng dòng tiền hoàn vốn của Bắc Giang - Lạng Sơn. Một là, dự án bị cắt giảm 1 trạm thu phí so với phê duyệt ban đầu dẫn đến giảm nguồn thu, tính đến nay khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng. Hai là, việc miễn giảm các đối tượng ngoài hợp đồng và giá vé sử dụng dịch vụ chưa được tăng theo lộ trình được duyệt gây thiệt hại lên tới 229 tỷ đồng. Ba là, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chưa được xây dựng để kết nối tới các cửa khẩu biên giới, khiến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn là “cao tốc cụt”.
Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng và phân bổ lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc không được đảm bảo.
Ba vấn đề trên là 3 nguyên nhân chính làm cho doanh thu không đạt so với phương án tài chính đã được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt - ký kết hợp đồng dự án và ngân hàng Vietinbank thẩm định cho vay - ký kết hợp đồng tín dụng.
Trách nhiệm và hướng giải quyết
Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, ngay từ khi tìm hiểu về dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn để nhận trách nhiệm “giải cứu” dự án đình trệ nhiều năm, các nhà đầu tư "chẩn đoán" được những căn bệnh của dự án, rủi ro của nhà đầu tư cũ để lại. Nhưng với sự động viên của lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Lạng Sơn và Nhà đầu tư đã chấp nhận giải pháp vừa làm, vừa tháo gỡ nên vẫn quyết tâm tiên phong giải cứu dự án.
“Trước hết bởi chúng tôi hiểu đây là dự án có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội kết nối liên vùng của địa phương, tin tưởng vào cam kết của CQCTQ, ngân hàng thẩm định cho vay và các bên là các Doanh nghiệp đầu tư, xây lắp nài nỉ cứu giúp sẽ chắc chắn đồng hành để tập trung làm xong cao tốc và từng bước cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Nhưng thực tế khi hoàn thành xong không một ai quan tâm đến cái khó của nhà đầu tư Đèo Cả.
Điều đáng nói ở đây, khi Tập đoàn Đèo Cả với tinh thần quyết tâm “giải cứu dự án đình trệ, chủ đầu tư vướng vào lao lý”, đưa 64 km cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào khai thác từ tháng 01/2020, đã tự xoay xở góp thêm vốn chủ sở hữu cho dự án (Đèo Cả đã phải góp thêm 300 tỷ đồng) để thanh toán một phần công nợ cho các nhà thầu. Cũng vì quan điểm các chủ nợ cho rằng doanh nghiệp chúng tôi hiện nay được xem là “người có tóc dễ nắm nhất” trong liên danh các nhà đầu tư Đèo Cả - Licogi (nay là Lizen) - Hòa Hiệp - Mỹ Đà nên có những yêu cầu lơ lửng được nêu ra là “có một ít hãy trả đi không thì mang tai tiếng đấy”, ông Trần Văn Thế nói.
Ngày 28/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về ĐTXD công trình đường bộ, trong đó phần vốn NSNN tham gia được tăng lên đến 70% với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và 80% đối với dự án đường ven biển tỉnh Thái Bình. Nhìn lại thực trạng tại cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã được đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng nhưng chưa hề có sự tham gia vốn ngân sách Nhà nước.
Ngày 11/12/2023, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có văn bản số 1258/2023/CV-BOT BGLS báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án, đề xuất UBND tỉnh phối hợp, làm việc với Bộ GTVT xem xét, cân nhắc đối tượng được miễn giảm phí; đồng thời đề xuất Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng nêu trên; yêu cầu ngân hàng phải có những giải pháp hoặc giải ngân nguồn vốn tín dụng còn lại.
Trường hợp không giải ngân thì thống nhất chia sẻ doanh thu theo tỉ lệ góp vốn chủ sở hữu là 15% để trả nợ cho nhà thầu theo đề nghị của doanh nghiệp dự án.
Ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp dự án hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tinh thần chủ động khắc phục những khó khăn tại dự án của liên danh các nhà đầu tư mới, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo tham mưu tỉnh các phương án cụ thể để giải quyết các vướng mắc cho dự án, đề nghị ngân hàng tích cực đồng hành, phối hợp chia sẻ khó khăn chung cùng các nhà đầu tư.
Đối với kiến nghị bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước đảm bảo phương án tài chính của dự án, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng phương án bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện doanh nghiệp dự án cho rằng, việc ngân hàng dừng giải ngân cho dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và không cấp tín dụng cho dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng ảnh hưởng đến việc chưa kết nối đồng bộ toàn dự án và không đảm bảo hiệu quả vận hành khai thác trên toàn tuyến.
Những vấn đề khó tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã rõ, giải pháp cũng đã được nêu ra nhưng quan trọng là tinh thần trách nhiệm của các bên tham gia để không xảy ra tình trạng “ôm con bỏ chợ”./.