(BKTO) - Theo Báo cáo sức khỏe ngành Ngân hàng quý IV/2023 của WiGroup, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng mạnh trong quý cuối năm 2023, từ 19,31% lên mức 21,87%. Như vậy, CASA đã tăng mạnh trong 3 quý liên tục tính đến hết năm ngoái, sau khi tạo đáy vào cuối quý I/2023. Đây là tín hiệu tích cực với các nhà băng khi nguồn tiền rẻ đã phục hồi, góp phần giảm áp lực khi tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) ngày càng mỏng dần.

Trong số những ngân hàng ghi nhận sự phục hồi CASA ấn tượng phải kể đến Techcombank, khi số dư CASA của ngân hàng này tăng trong 3 quý liên tiếp. Riêng trong quý IV/2023, ngân hàng này ghi nhận CASA đạt 181,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên mức 39,9%.

Còn tại VPBank, đến hết năm 2023, CASA tại nhà băng này tăng 33% so với cuối năm 2022, giúp nâng tỷ lệ này trong cơ cấu huy động nhà băng lên 17,6%. Đại diện ngân hàng cho biết, điểm sáng CASA phản ánh hiệu quả của các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi của VPBank thông qua các giải pháp thanh toán và dịch vụ tài khoản, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của khách hàng.

casa.jpg

Một nhà băng khác cũng ghi nhận sự phục hồi của CASA đó là MB khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tới 40,1% trong năm 2023. Trong năm 2023, ngân hàng này thu hút hơn 6 triệu khách hàng mới, tỷ lệ giao dịch trên kênh số duy trì ở mức cao, đạt đến 97%. Theo MB, đạt được những con số ấn tượng này phần lớn nhờ vào chiến lược đầu tư công nghệ dài hạn, giúp MB liên tục mở rộng không gian tăng trưởng và phục vụ quy mô khách hàng lớn.

Chia sẻ về kinh nghiệm thu hút CASA, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, động lực tăng trưởng CASA đến từ hai nguồn giao dịch chính của khách hàng là giao dịch hàng ngày như chi tiêu gia đình, du lịch... và giao dịch phục vụ nhu cầu tích lũy, đầu tư để tối ưu hóa tài sản.

Nắm được điều này, ngân hàng đã tập trung vào 3 trụ cột quan trọng để tăng trưởng CASA. Đầu tiên là giải pháp thúc đẩy giao dịch, đưa trải nghiệm, sản phẩm liên quan đến giao dịch mang tính chất may đo, cá nhân hóa đến từng khách hàng. Ở cấp độ doanh nghiệp lớn, nhà sản xuất, Techcombank đưa ra giải pháp quản lý dòng tiền, tối ưu thanh khoản.

Thứ hai là thúc đẩy tín dụng, cấp vốn cho khách hàng để thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất. Theo ông Hưng, ngân hàng hướng đến giúp khách hàng tiếp cận tín dụng dễ dàng nhất, phù hợp nhất nhưng vẫn quản trị được rủi ro, duy trì chi phí ở mức lành mạnh. Bởi lẽ, trong tiêu dùng hay trong kinh doanh, khách hàng luôn có nhu cầu vốn, nếu đáp ứng được nhu cầu đó thì sẽ thúc đẩy được giao dịch, thúc đẩy kinh doanh, qua đó mang lại CASA tăng trưởng cho ngân hàng.

Cuối cùng, đối với các sản phẩm đầu tư và tối ưu hóa tài sản, ngân hàng giúp khách hàng có nhiều tài sản đầu tư theo những khẩu vị rủi ro khác nhau, đạt hiệu suất tốt nhưng đảm bảo bền vững chứ không đánh đổi rủi ro không lường trước.

Theo các chuyên gia, trong suốt thời gian năm 2021, 2022 và những tháng đầu năm 2023, tỷ lệ CASA sụt giảm, từ đó khiến NIM mỏng dần và điều này đã gây áp lực đáng kể tới biên lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, các nhà băng đều tích cực đưa ra nhiều biện pháp để thu hút nguồn vốn rẻ này trở lại. Các giải pháp hiệu quả gồm có tăng cường chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tung ra nhiều sản phẩm, dịch vụ được “đo ni đóng giày” với từng nhóm đối tượng để thu hút lượng khách hàng mới. Với việc các giao dịch trên kênh số ngày càng thuận tiện, nhanh chóng, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn, nhiều ngân hàng đã đạt tỷ lệ giao dịch trên 90% được thực hiện trên nền tảng số.

Giới chuyên gia dự báo, tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn giúp cho CASA của ngân hàng được cải thiện.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, CASA có vai trò quan trọng mang lại lợi ích kép cho ngân hàng khi vừa mở rộng khách hàng, vừa tranh thủ được nguồn vốn rẻ. CASA sẽ là trợ lực để các nhà băng giảm bớt phần nào áp lực chi phí hoạt động. Đó cũng là lý do trong những năm qua, nhiều ngân hàng xác định tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng CASA thì cần có những cách làm mới, sáng tạo hơn để thu hút người dân mở tài khoản thanh toán. Ngoài ra, các TCTD cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với nền tảng ví điện tử, công ty công nghệ tài chính cung cấp những dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện lợi và không tiếc tiền vào các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kéo người dùng.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài miễn giảm phí thì các nhà băng cần những cách làm riêng. Đơn cử như thay vì khuyến khích người dùng mở tài khoản mà không sử dụng dẫn đến tình trạng lượng tài khoản “ảo” lớn, CASA không tăng mà lại tốn nhiều chi phí quản lý, các ngân hàng cần đầu tư mạnh hơn về dịch vụ thanh toán, tư vấn, chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, tăng cường liên kết cùng các trang thương mại điện tử, khuyến khích khách hàng thanh toán qua ứng dụng ngân hàng… cũng sẽ khuyến khích người dân để tiền trong tài khoản thanh toán, giúp tăng CASA.

Cùng chuyên mục
CASA tiếp tục phục hồi