Cắt giảm thủ tục hành chính phải bảo đảm quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân

(BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ - nhấn mạnh yêu cầu này tại Phiên họp thứ nhất được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, sáng 08/9.

1(2).jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Chính phủ

Tại Phiên họp, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC hoan nghênh Chính phủ thành lập Tổ công tác về cải cách TTHC trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang ở trong cơn bĩ cực; tin tưởng Tổ công tác sẽ giải quyết những "tắc nghẽn nóng", trong đó có quy định về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra chuyên ngành, để đồng hành, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC Trương Gia Bình cho rằng, việc cải cách TTHC sẽ hiệu quả hơn khi được tiến hành song song với chuyển đổi số; khẳng định cộng đồng công nghệ thông tin của Việt Nam ngày nay đủ năng lực để giải quyết những vấn đề của cải cách TTHC.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Tô Hoài Nam kiến nghị cần có cơ chế để quy trách nhiệm của cán bộ và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, coi đó là giải pháp đột phá; đồng thời nghiên cứu cơ chế để khuyến khích khu vực ngoài Nhà nước tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, những nỗ lực cải cách TTHC thời gian qua thực sự đã có những chuyển biến tích cực, từng bước tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực để các Bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục để công tác này thực chất, hiệu quả hơn.

Để công tác cải cách TTHC có những bước tiến thực chất hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu từng Bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, nhất là người đứng đầu và các thành viên của Tổ công tác; tránh tình trạng phó mặc cho cấp dưới và khi đi họp chỉ đọc báo cáo do cấp dưới chuẩn bị.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không thực hiện cắt giảm TTHC một cách máy móc mà phải đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh phân cấp về TTHC; tăng cường nỗ lực chuyển đổi số để công khai minh bạch quy trình, thủ tục và kết quả giải quyết TTHC.

Đối với những thủ tục chưa thể cắt giảm do quy định của luật, Phó Thủ tướng yêu cầu hạn chót đến ngày 30/9, các Bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo đến Thường trực Tổ công tác để đề xuất phương án với các cơ quan có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng khẳng định, Tổ công tác luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn đại diện các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với Tổ công tác trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực của Tổ công tác - ban hành văn bản nên rõ những nhiệm vụ và thời hạn hoàn thành cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm; nhấn mạnh kết quả thực hiện những nhiệm vụ này sẽ là một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của từng Bộ, ngành, địa phương./.

Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 385/1.086 TTHC theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và hơn 2.300 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; sửa đổi 28 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phân cấp giải quyết 139/699 TTHC, đạt 20% theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, nhiều TTHC phân cấp từ Trung ương về địa phương.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc sớm hạn của Bộ, ngành đạt 40,16%, địa phương đạt 87,31%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và cấp kết quả điện tử đạt 25,06% tại Bộ, ngành và 37,25% tại địa phương; 61/63 địa phương đã hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Cùng chuyên mục
Cắt giảm thủ tục hành chính phải bảo đảm quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân