Chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng”

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần khắc phục những bất cập trong phát triển nhà ở xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu để mọi người có chỗ ở.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cuối giờ sáng và chiều 29/8, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

290820230846-le-thanh-hoan.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn phát biểu thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Cần có chính sách hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, chính sách phát triển nhà ở và tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta. Song thực tế, chính sách phát triển nhà ở và xây dựng nhà ở còn hướng đến góc độ nhà ở là tài sản hơn vai trò của nhà là để ở.

Dẫn số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ sở hữu nhà ở của các hộ gia đình Việt Nam là hơn 88% - thuộc nhóm cao nhất thế giới, đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu câu hỏi: Tại sao nhu cầu nhà ở tại các đô thị lại vẫn là vấn đề bức thiết đến như vậy?

Đại biểu đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai. Từ đó, cần có một chính sách lớn về nhà ở nhằm ưu đãi cho những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần, theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu.

Đồng thời, miễn thuế thu nhập cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội.

Đặc biệt, theo đại biểu Hoàn: “Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng đến 2 đến 3 lần so với lúc mua. Phải xác định rõ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở, chứ không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội; cũng như nhà ở xã hội không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức”.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, về cơ bản công dân Việt Nam đã được bảo đảm về chỗ ở. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu là điều kiện chỗ ở tại các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều dân cư. Như vậy, nhóm đối tượng gặp khó khăn chính là nhóm cần chỗ ở có điều kiện tốt hơn hoặc thuận lợi hơn.

Đối với nhóm này, Điều 83 Dự thảo Luật đang thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội theo cách giảm chi phí đầu vào, đưa ra các ưu đãi đối với nhà đầu tư mà chưa tập trung vào việc tăng cầu, tức là hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng như hỗ trợ tiền mua, hỗ trợ tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, dài hạn.

“Khi số người có nhu cầu được hỗ trợ tăng, cầu mua nhà ở sẽ tăng và thị trường sẽ thu hút chủ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội này” - đại biểu Nghĩa nói và đề nghị bổ sung thêm một điều quy định về chính sách hỗ trợ cho người thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Giải quyết những thách thức của thị trường nhà ở

Đề cập đến những thách thức đối với thị trường nhà ở trong thời gian tới, đại biểu Lê Thanh Hoàn chỉ rõ, thách thức đầu tiên là vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị.

Đại biểu dẫn chứng, theo thống kê năm 2019, cả nước có khoảng 6,4 triệu người di cư (chiếm 7,3% dân số). Áp lực nhập cư đối với các đô thị là rất lớn. Cứ 1.000 người sống ở đô thị thì có khoảng 200 người nhập cư; người nhập cư chiếm 12,3% dân số đô thị. Khả năng này dẫn đến nhu cầu tại các đô thị trong thời gian 10, 20 năm nữa vẫn tăng mạnh; ngược lại, nhu cầu nhà ở tại nông thôn lại giảm đi.

Thách thức thứ hai là vấn đề già hóa dân số, làm tăng nhu cầu về nhà ở cho người cao tuổi; đồng thời làm giảm quy mô của hộ gia đình, tăng nhu cầu về nhà ở do số lượng người cao tuổi tăng thêm...

Trước những thách thức này, đại biểu cho rằng, trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng như Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỷ lệ dân di cư để phát triển cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ đó xác định được sẽ xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp?

Với tinh thần đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành với quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân. Đồng thời, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội.

"Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua. Cùng với đó là chính sách đồng bộ về giải quyết việc làm nông thôn để hạn chế tình trạng di dân ở đô thị" - đại biểu nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng”