Số tiền nợ đọng còn lớn
Theo BHXH tỉnh Gia Lai, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có hơn 2.300 đơn vị chậm đóng BHXH cho người lao động với số tiền lên tới 146 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp chậm và nợ BHXH, BHYT, BHTN ở Gia Lai, có 15 doanh nghiệp Nhà nước, số tiền chậm đóng 12 tỷ đồng; 1.071 doanh nghiệp ngoài nhà nước, số tiền chậm đóng 48 tỷ đồng, 167 đơn vị nợ mà chủ đã bỏ trốn, ngưng hoạt động, với số tiền nợ 17 tỷ đồng…
Theo BHXH Việt Nam, việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Các đơn vị nợ đóng BHXH người lao động không được giải quyết kịp thời các chế độ BHXH như chế độ hưu trí, thai sản…, nhất là khi họ ốm đau, gặp tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí.
Cùng với tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, một vấn đề nan giải khác đang bị các doanh nghiệp lợi dụng, đó là tình trạng doanh nghiệp lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, ngoài nguyên nhân do tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng hạn thì vẫn còn không ít doanh nghiệp có biểu hiện cố tình chây ỳ để chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Thực tế kiểm tra của BHXH Việt Nam thời gian qua cho thấy, có những doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động hàng tháng đã khấu trừ phần trách nhiệm phải đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn không nộp đúng hạn cho cơ quan BHXH mà cố tình dây dưa lợi dụng vốn để phục vụ cho mục đích khác. Trong khi đó, lực lượng thanh tra lao động mỏng, không thể kiểm tra hết các đơn vị. Cơ quan BHXH lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt nên mặc dù thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhưng hiệu quả không cao.
Dẫn chứng từ địa phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, cùng với việc gửi thông báo đôn đốc tới các đơn vị chậm đóng, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, như cử cán bộ BHXH đến các đơn vị để nắm về tình hình sản xuất và có giải pháp kịp thời tháo gỡ cho các đơn vị. BHXH cũng thông báo cho các đơn vị nắm được tình hình chậm đóng BHXH định kỳ hành tháng...
“Nếu đã lập biên bản mà đơn vị không chấp hành thì BHXH sẽ chuyển sang thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng BHXH, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN” - ông Tuấn thông tin, song cũng cho rằng số đơn vị chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN còn cao.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo BHXH Việt Nam, nguyên tắc của BHXH là có đóng, có hưởng, đóng đến đâu giải quyết chế độ BHXH cho người lao động đến đó. Ngược lại, khi các doanh nghiệp không chấp hành đúng, người lao động sẽ rất thiệt thòi. Đơn cử, khi không được đóng BHXH, BHYT, BHTN, người lao động không được gia hạn thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương cần tập trung tham mưu với lãnh đạo địa phương để có giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề này.
Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay, ngành BHXH tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ công tác thu, xử lý thu hồi, giảm nợ đọng, trong đó tập trung vào một số giải pháp như:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp và nhận thức của người lao động về BHXH, BHYT.
Thứ hai, phân công cán bộ chuyên quản thường xuyên kiểm tra, đối chiếu, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của luật BHXH; hàng tháng thông báo kịp thời tiến độ thu nộp BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị để chủ sử dụng lao động nắm rõ tình hình và có kế hoạch trong việc đóng nộp đúng quy định.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động; phối hợp với Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và Công an tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp trên địa bàn, xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Đề cập cụ thể về giải pháp này, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Trần Ngọc Tuấn cho biết, ngành BHXH tỉnh sẽ tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đôn đốc đóng BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH tỉnh sẽ chú trọng đến việc phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai mời các đơn vị nợ kéo dài lên làm việc, lập biên bản, đề nghị đơn vị đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị: Đối với các đơn vị trốn đóng hoặc nợ đọng, cần có biện pháp kiên quyết để xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, nợ các chế độ BHXH, BHYT để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Luật BHXH.
“Cơ quan BHXH sẽ xem xét chuyển hồ sơ của các đơn vị nợ BHXH kéo dài sang cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Tình trạng chậm đóng, thậm chí là trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng như những bất cập trong giải quyết vấn đề này, đặc biệt là khi có liên quan đến đối tượng nước ngoài cũng đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) quan tâm chỉ ra qua các thời kỳ kiểm toán. Điển hình như qua kết quả về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHXH, BHYT năm 2021, KTNN chỉ rõ: trong đó, số nợ đọng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn là 3.083 tỷ đồng nhưng chưa có quy định để xử lý hiệu quả.
Từ đó, KTNN đề nghị ngành BHXH, các ngành chức năng và các địa phương xem xét, có giải pháp xử lý triệt để tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như tạo sự ổn định, bền vững cho hệ thống an sinh xã hội./.