Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương

N.LỘC-H.THOAN-D.THIỆN | 26/12/2022 09:18

(BKTO) - Tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo, nhiều sơ hở tại các địa phương dẫn đến sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả, sai phạm, tiêu cực, tham nhũng… Đó là những vấn đề nghiêm trọng được nêu ra tại Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa tổ chức.

ht-quang-canh-3.jpg
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với KTNN”. Ảnh: N.LỘC

Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác quản lý

Thời gian qua, liên tục các vụ việc sai phạm trong quản lý đất đai bị khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử. Trong đó, sự bất cập về quy định, chính sách; sự buông lỏng quản lý, tư lợi của lãnh đạo một số địa phương được xác định là những nguyên nhân chính khiến cho sai phạm tồn tại kéo dài.

Theo ông Phạm Quang Định - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng, qua rà soát pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan cho thấy một số quy định pháp luật còn bất cập, thiếu thống nhất, có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương cũng chưa tốt, khiến nguồn lực về đất đai tại các địa phương chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chưa tạo được nguồn lực từ đất đô thị cho công tác nâng cấp, cải tạo đô thị.

Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng về chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất, chưa tuân thủ các quy định về tổ chức không gian còn diễn ra.

ht-le-anh-thu-so-xd-hn.jpg
Bà Lê Anh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Cơ quan quản lý đất đai đang chịu nhiều áp lực. Ảnh tư liệu

Đề cập đến công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, bà Lê Anh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, xác định tầm quan trọng của tài nguyên đất đai, công tác quản lý được lãnh đạo Thành phố đặc biệt chú trọng và luôn trăn trở tìm giải pháp tối ưu.

Đơn cử như tại Sở TN&MT, để có được phương án tốt nhất, Sở không chỉ dựa trên văn bản, có khi phải mời cả chuyên gia về trực tiếp làm việc trong từng trường hợp cụ thể cần phải tháo gỡ, bởi có những trường hợp buộc phải giải quyết theo tình thế, cơ chế đặc thù chung. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro cho công tác quản lý và chính người làm công tác này.

Cũng theo bà Thư, trong bối cảnh khối lượng công việc rất lớn, lãnh đạo đặt bút ký phải tin tưởng vào cấp dưới của mình nhưng thời gian qua, “có rất nhiều trường hợp lãnh đạo phải đối diện với nhiều câu chuyện đáng buồn, do hậu quả không riêng gì khách quan mà còn từ yếu tố chủ quan” - bà Thư nói.

Nhấn mạnh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai là nguyên nhân căn bản khiến cho công tác này chưa đạt được hiệu quả cao, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng lưu ý “lỗ hổng” lớn thứ hai đến từ công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Theo ông Ánh, đây chính là “một trong những công cụ quan trọng bậc nhất trong quản lý, sử dụng đất đai”, tuy nhiên, chất lượng quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tế cũng như chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiếu tầm nhìn, bị chi phối bởi nhóm lợi ích,...; sự tùy tiện thay đổi quy hoạch, kế hoạch; quy hoạch, kế hoạch không đầy đủ, thiếu đồng bộ cản trở vận hành hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.

“Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đó chính là chìa khóa bịt lỗ hổng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” - ông Ánh nêu

Nêu cao tính chủ động, trách nhiệm trong công tác quản lý

Khẳng định công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều lỗ hổng, các ý kiến cho rằng, gốc rễ của vấn đề chính là nằm ở quy định và vai trò quản lý của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong vấn đề này. Đây cũng chính là những vấn đề được KTNN phát hiện, kiến nghị xử lý qua công tác kiểm toán. 

Bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, qua kiểm toán cho thấy, nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật còn những kẽ hở, việc sử dụng nguồn lực đất đai có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Thông qua hoạt động kiểm toán, ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản không phù hợp và kiến nghị xử lý, chấn chỉnh kịp thời nhiều sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng đất.

Cho rằng tài nguyên đất đai được quy định trong rất nhiều luật, với nhiều cách hiểu khác nhau, theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, việc rà soát, chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện nhằm đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ, chặt chẽ và hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai là rất cần thiết và cấp bách. Chỉ có như vậy mới khắc phục được tình trạng tùy tiện diễn giải nội dung và vận dụng các quy định pháp luật dẫn đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

“Lỗ hổng trong quản lý, sử dụng đất đai rất đa dạng, rất phức tạp và đôi khi còn rất nghiêm trọng. Muốn hạn chế đến mức thấp nhất những lỗ hổng đó thì không còn cách nào khác là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đi đôi với nghiêm túc thực thi pháp luật; đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, rốt ráo những lỗ hổng đó” - ông Ánh kiến nghị. 

Xác định một trong những giải pháp mấu chốt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai là tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý đất đai, trong tham luận gửi tới Hội thảo của KTNN, UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, để thực hiện giải pháp này, cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu số về quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “nhằm tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý đất đai, làm cơ sở để người sử dụng đất được thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật”.

ht-anh-minh-nam.jpg
Ông Lê Minh Nam nêu ý kiến tại hội thảo của KTNN. Ảnh tư liệu

Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cho biết, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý đất đai, Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai để hoàn thiện thiện chính sách, pháp luật về vấn đề này.

Đi đôi với đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần đấu tranh kiên quyết đối với các hành vi vi phạm; tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm toán, ngoài việc đánh giá, xác nhận về tính tuân thủ, thực hiện các chính sách pháp luật liên quan, cần có kiến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng nguồn lực đất đai và chia sẻ với khó khăn trong công tác quản lý của địa phương.

“Trong bối cảnh quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quản lý, việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai cũng tạo áp lực lớn với lãnh đạo địa phương” - ông Nam cho biết.

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, bất cập trong quản lý đất đai, để nâng cao hiệu quả quản lý đối với nguồn tài nguyên này, các ý kiến cùng thống nhất cho rằng, cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật về đất đai, các địa phương cần chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của địa phương.

Trong đó, cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng đúng cam kết, không thực hiện nghĩa vụ tài chính...

Đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm đối với đội ngũ thực hiện công tác lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý đất đai, thẩm định dự án; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá đất để nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả và tính khả thi khi triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương./.

Cùng chuyên mục
Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương