Đổi mới công tác tổ chức chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước

(BKT) - Chiều 23/12, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Đổi mới công tác tổ chức chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách nhà nước và các giải pháp để nâng cao chất lượng”.

tc.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Thùy Anh

TS. Vũ Văn Họa - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Đề tài do ThS. Thái Thị Lan - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib và Cử nhân Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN đồng Chủ nhiệm.

Đề tài làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong việc cho ý kiến đối với dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ).

Đánh giá thực trạng tổ chức, chất lượng về việc cho ý kiến dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ.

Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng cho ý kiến về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ để Quốc hội có thông tin khách quan, độc lập từ KTNN trong việc xem xét, quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ; Chính phủ có thông tin phản biện khách quan trong việc lập, hoàn thiện báo cáo dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ trình Quốc hội; đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của KTNN và thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng kiểm toán tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

ban-de-tai.jpg
ThS. Thái Thị Lan - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib - trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Thùy Anh

Đại diện Ban Đề tài cho biết, hằng năm, Vụ Tổng hợp (KTNN) tổng hợp kết quả thảo luận dự toán để báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước khi tham gia thẩm tra dự toán NSNN của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

KTNN đã tham gia thảo luận về dự toán của một số Bộ, cơ quan Trung ương như các Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, giao thông, tài nguyên và môi trường… và địa phương có quy mô ngân sách lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương tự cân đối ngân sách..., tại Bộ Tài chính và tham dự một số buổi thẩm tra dự toán do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức.

Những ý kiến về dự toán NSNN của KTNN ngày càng sâu sắc hơn, nhiều ý kiến của KTNN đã được Quốc hội tiếp nhận đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hoặc bổ sung, điều chỉnh dự toán NSNN trước khi Quốc hội quyết định dự toán NSNN.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của KTNN, các đơn vị từ trung ương đến địa phương cũng từng bước ghi nhận, tiếp thu để chỉnh sửa báo cáo dự toán NSNN hằng năm trình HĐND các cấp và Quốc hội phê chuẩn.

Cũng theo Ban Đề tài, bên cạnh những kết quả nói trên, công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ cũng còn một số hạn chế. 

Cụ thể, cơ sở pháp lý về nhiệm vụ của KTNN đối với dự toán NSNN chưa đồng bộ, chưa thống nhất. 

Nguồn nhân lực của KTNN đối với công tác nghiên cứu, tham gia ý kiến về dự toán NSNN chưa được bố trí đầy đủ, chuyên môn hóa. Công tác tổ chức thực hiện vẫn thiếu tính chuyên môn hóa, chuyên sâu…

Từ đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đề xuất 2 nhóm giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phân bổ NSTƯ, gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phân bổ NSTƯ và hoàn thiện quy trình, phương pháp chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phân bổ NSTƯ.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá: Đề tài có ý nghĩa thực tiễn, khoa học và lý luận cao.

Đề tài đã hệ thống các cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong việc cho ý kiến đối với dự toán NSNN, phương pháp phân bổ NSTƯ; kinh nghiệm từ cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới; đánh giá thực trạng chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ giai đoạn 2016-2022...

Để Đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tiếp thu các ý kiến, bổ sung quy trình chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN; tổng hợp kết quả KTNN đã đạt được về việc cho ý kiến đối với từng lĩnh vực trong dự toán NSNN; đề xuất giải pháp đổi mới có tính đột phá theo hướng đề xuất kiểm toán dự toán NSNN, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhân sự, quy trình, thủ tục thực hiện.

Hội đồng nghiệm thu thống nhất Đề tài xếp loại Khá./.

Cùng chuyên mục
Đổi mới công tác tổ chức chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước