Chặng đường tăng trưởng và phục hồi của doanh nghiệp gian nan hơn

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, trong bối cảnh tình hình hình kinh tế thế giới phức tạp, đầy biến động khó lường vượt qua khỏi dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, chặng đường tăng trưởng và phục hồi của các doanh nghiệp lớn càng trở nên khó khăn hơn.

b.jpg
Các doanh nghiệp lớn đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp vừa phải tiếp tục đối mặt với những hậu quả từ đại dịch gây ra, vừa phải xử lý những khó khăn mới từ giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu tăng cao và rủi ro từ chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, độ mở của nền kinh tế Việt Nam với các nước trên thế giới là rất lớn, những dự báo nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái, lạm phát tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận Top 5 khó khăn mà cộng đồng các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đang gặp phải bao gồm: Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; Rủi ro từ chuỗi cung ứng; Sức ép đến từ tỷ giá gia tăng; Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm.

Biến động giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào là khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Theo thống kê mới nhất, 9 tháng đầu năm, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, chỉ số nhập khẩu cũng tăng rất cao, đạt mức 10,7% so với cùng kỳ 2021, trong đó nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất chiếm 90%. Việc phụ thuộc quá vào nhập khẩu đã khiến các doanh nghiệp gặp phải trở ngại rất lớn đến từ giá nguyên liệu sản xuất.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 78,8% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đối với chi phí nguyên vật liệu, trong đó có đến 19,7% số doanh nghiệp báo cáo khoản chi này đã tăng lên đáng kể. Gần 50% số doanh nghiệp dự báo tình trạng này còn tiếp diễn đến cuối năm 2023, thậm chí, có đến 38% số doanh nghiệp cho rằng còn kéo dài sau năm 2023.

Tại thời điểm cách đây một năm, phần lớn các chuyên gia cho rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện khi bước sang quý II/2022. Tuy nhiên, các bất ổn chính trị thế giới mới nảy sinh cũng như chính sách “Zero COVID-19” của Chính phủ Trung Quốc đã khiến cho 77,9% số doanh nghiệp lo ngại về rủi ro chuỗi cung ứng hơn, có thể kéo dài sang năm 2023 và sau đó.

Bên cạnh những lo ngại về chính trị thế giới, sự bất ổn về tình hình tài chính - tiền tệ trên thế giới cũng tác động không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp Việt bởi độ mở của nền kinh tế cao tới 200% GDP trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Tăng cường quản lý rủi ro, đảm bảo kinh doanh liên tục

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 70% số doanh nghiệp cho biết đang chịu sức ép từ tỷ giá gia tăng, gần 60% số doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao.

Việc giữ mặt bằng lãi suất và tỷ giá ổn định trong suốt thời gian qua đã góp phần giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu khắp các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tăng lãi suất, từ nửa cuối tháng 10, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã quyết định nới biên độ tỷ giá giữa VND và USD từ mức 3% lên 5% và tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm.

Việc điều chỉnh tăng biên độ này sẽ giúp NHNN chủ động thích ứng, có thêm dư địa điều hành trước những diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và hơn 90 ngân hàng trung ương khác trên thế giới.

Cùng với những thách thức về tỷ giá, lãi suất, lạm phát làm sức mua tại các nền kinh tế lớn giảm mạnh, xuất khẩu Việt Nam vì thế kém thuận lợi, kéo theo đó là sự sụt giảm số lượng đơn hàng của doanh nghiệp. Các yếu tố thiên tai, dịch bệnh tuy không còn là khó khăn hàng đầu như cách đây một năm nhưng vẫn ảnh hưởng tới hoạt động của 64,1% số doanh nghiệp.

GDP quý III/2022 của Việt Nam tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do sự nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và việc mở cửa lại biên giới. Tuy nhiên, các tác động này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tăng trưởng GDP sẽ nhanh chóng vượt qua đỉnh điểm này.

Với chính sách tiền tệ thắt chặt trong nước và nhu cầu toàn cầu có xu hướng giảm dần, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chậm dần đều vào năm 2023. Kết quả khảo sát các chuyên gia tháng 11/2022 cũng cho thấy, các chuyên gia kỳ vọng GDP sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của tháng trước và 6,4% vào năm 2023.

Về phía các doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp VNR500 đều lạc quan về triển vọng kinh doanh trong năm 2023 so với 2022, có đến 40,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết triển vọng khả quan hơn một chút và 26% cho biết khả quan hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn vào sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với 35,1% số doanh nghiệp có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Với việc FED sẵn sàng tăng lãi suất lên 4,5% vào cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục chịu áp lực phải thắt chặt chính sách nhằm đảm bảo ổn định tiền tệ và tài chính. Lạm phát gia tăng có thể sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất. Lạm phát đã được kiềm chế trong suốt phần lớn năm 2022, nhưng hiện đang tiệm cận mục tiêu của NHNN là 4%, gần đây nhất đã tăng tốc từ 2,9% so với cùng kỳ vào tháng 8 lên 3,9% vào tháng 9.

Lạm phát có khả năng sẽ tăng hơn nữa trong những tháng tới và được dự báo đạt đỉnh vào quý II/2023. Với dấu hiệu suy giảm của kinh tế toàn cầu vào năm tới, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong các tổ chức quốc tế uy tín như Fitch, EIU cũng cho rằng, việc tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2023, nhưng sự suy thoái tại các thị trường điểm đến chính sẽ hạn chế tốc độ mở rộng nền kinh tế, ngay cả khi Việt Nam tiếp tục gia tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định một số ngành kinh tế được dự báo có tiềm năng tăng trưởng đột phá trong năm 2023 bao gồm: viễn thông - công nghệ thông tin; du lịch - giải trí và vận tải - logistics. Ngược lại, các ngành phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu như thủy sản và dệt may, da giầy có triển vọng tăng trưởng kém hơn. Ngành bất động sản - xây dựng vốn chịu nhiều khó khăn từ đại dịch và chính sách siết tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tỏ ra rất thận trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp tập trung vào các chiến lược truyền thống như: đầu tư phát triển nguồn nhân lực; tăng cường phát triển văn hóa doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi và cải thiện cơ cấu chi phí.

Kinh nghiệm rút ra từ quá trình ứng phó với đại dịch cũng như các bất ổn kinh tế thế giới thời gian gần đây cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào cải thiện kế hoạch quản lý rủi ro, đảm bảo kinh doanh liên tục (94,5%); chuyển đổi, linh hoạt với chuỗi cung ứng (89,2%).

Cùng chuyên mục
Chặng đường tăng trưởng và phục hồi của doanh nghiệp gian nan hơn