Trong giải quyết tố cáo, cùng với cố gắng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của người giải quyết tố cáo, còn rất cần việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ, trách nhiệm của người tố cáo. Những năm gần đây, bên cạnh những ưu điểm là cơ bản thì hoạt động tố cáo ở nước ta cũng đã xuất hiện một số bất cập, hạn chế, khuyết điểm. Thậm chí đã có những hành vi sai phạm nghiêm trọng trong tố cáo phải bị xét xử hình sự. Vì vậy, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về việc tố cáo là yêu cầu quan trọng đặt ra hiện nay.
Hiến pháp nước ta đã quy định rõ tại Điều 30: “1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân… 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Tại Điều 8 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tố cáo, như sau: “10. Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo. 11. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo. 12. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. 13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo”.
Luật Tố cáo có quy định cụ thể về nghĩa vụ của người tố cáo tại Điều 9: “a. Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này; b. Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo của mình; c. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; d. Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; đ. Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra”.
Luật Tố cáo cũng có quy định rõ về việc khen thưởng và xử lý vi phạm đối với người tố cáo. Theo đó: “Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật”; đồng thời: “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Những quy định trên đây của Luật Tố cáo là hết sức đúng đắn, cần thiết, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tế Việt Nam.
Hoạt động tố cáo ở nước ta những năm qua cho thấy: Bên cạnh việc chấp hành tốt thì còn có những vi phạm. Nổi lên là tình trạng tố cáo không chính xác, thiếu tính xây dựng, không đủ chứng cứ, cơ sở chứng minh nội dung tố cáo. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ, thiếu kiến thức, chưa thật sự vô tư, trong sáng, có động cơ sai trái, cố ý vi phạm pháp luật…
Thực tế trên không chỉ xảy ra với Luật Tố cáo mà còn ở một số luật khác, trong đó có Luật Kiểm toán nhà nước. Ví dụ, Luật Kiểm toán nhà nước có quy định tại Điều 8: “c. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan: Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”. Hay như tại Điều 11 của Luật Kiểm toán nhà nước quy định về Quyền hạn của Kiểm toán nhà nước, trong đó có quyền: “Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán”.
Để bảo đảm sự chính xác, vô tư, khách quan trong hoạt động tố cáo, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp dưới đây:
Thứ nhất, nắm vững, hiểu biết các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nhất là nội dung, hình thức tố cáo. Để đạt được điều này, từng công dân phải tích cực tìm hiểu các quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, trong đó phải tìm hiểu về Luật Tố cáo.
Các cơ quan pháp luật, cơ quan báo chí, truyền thông cần chú ý tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về tố cáo, tạo thuận lợi để nhân dân hiểu và chấp hành được tốt các quy định, có kiến thức tốt về khiếu nại, tố cáo. Chỉ có trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục về hoạt động khiếu nại tố cáo, mới giúp cho công dân có đủ kiến thức để thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện hoạt động tố cáo.
Thứ hai, nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm tố cáo. Từng công dân phải thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, kiên quyết không lạm dụng việc tố cáo để sai phạm hoặc vi phạm pháp luật về tố cáo. Thời gian qua đã có một số trường hợp vi phạm pháp luật tố cáo phải bị xử lý vì không hiểu rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ, chính xác quy định pháp luật về tố cáo mà vô tình hoặc cố ý mắc sai phạm.
Thứ ba, xây dựng, rèn luyện ý thức trách nhiệm cao và tác phong cẩn thận, chu đáo của công dân khi thực hiện việc tố cáo. Mỗi công dân cần trau dồi kiến thức và tác phong, tính cách chuẩn mực, tính xây dựng cao khi thực hiện việc tố cáo. Sự cẩn trọng sẽ giúp cho họ không gặp phải những sai sót đáng tiếc xảy ra khi thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong tố cáo.
Thứ tư, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ để công dân có điều kiện thuận lợi tiến hành hoạt động tố cáo của mình. Trong đó chú ý đến công tác hỗ trợ pháp lý cho người dân. Chỉ trên cơ sở có kiến thức pháp luật, nhất là quy định về tố cáo thì người tố cáo mới có thể thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, không mắc sai phạm khi thực hiện tố cáo. Vừa qua, hoạt động trợ giúp pháp lý của ngành tư pháp đã có tác dụng thiết thực cho công dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, với các đối tượng còn thiếu kiến thức về pháp luật đã được trợ giúp tích cực.
Thứ năm, khen thưởng, xử phạt nghiêm minh trong hoạt động tố cáo. Đây là việc làm cần thiết nhằm duy trì sự công bằng, giữ gìn kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực này. Vừa qua, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã có những cá nhân, tập thể được khen thưởng cả về vật chất và tinh thần vì đã có những phản ánh, tố cáo đúng, đem lại tác dụng thiết thực cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt cần chú ý đến việc xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai đối với những trường hợp lợi dụng tố cáo để vu khống, bôi nhọ, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của người khác./.