Ở Việt Nam, ANMT đang bị đe dọa nghiêm trọng, với hàng loạt thách thức về ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước; sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học, thiên tai, bệnh dịch và tội phạm về môi trường. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường gây tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua từ 1,5-3% GDP. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 79/132 quốc gia được khảo sát về Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI), xếp thứ 123 về ảnh hưởng của chất lượng không khí, xếp thứ 80 về chất lượng nước và xếp thứ 77 về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe.
Theo Báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát môi trường, năm 2020, trên phạm vi cả nước, có tới 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; hơn 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không xử lý nước thải; hơn 4.500 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khoảng 55-70% số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 98% doanh nghiệp có hành vi vi phạm về xả nước thải không đạt chuẩn môi trường; 100% doanh nghiệp thải khí không có thiết bị xử lý chất độc hại. 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa.
Tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800.000 tấn/năm, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất công nghiệp được thu gom, xử lý mới chỉ đạt con số 40%, chất thải nguy hại do y tế đạt 80%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình ở khu vực nội đô đạt khoảng 84-85%; khu vực nông thôn đạt khoảng 40-55%; vùng sâu, vùng xa chỉ đạt khoảng 10%... Nguồn chất thải từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên đáng lo ngại...
Đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia ở khu vực châu Á phải chịu nhiều hậu quả nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là 2 đầu tầu kinh tế lớn cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Đồng bằng sông Cửu Long hiện mỗi năm bị mất đi khoảng 500ha đất do xói lở. Đến cuối thế kỷ XXI, nếu nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m, thì hơn 20% diện tích của TP. Hồ Chí Minh, 30% diện tích đồng bằng cả nước có thể chìm xuống dưới nước.
Trong 4 thập kỷ qua, khoảng 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú ở Việt Nam bị diệt vong, trong khi hơn 100 loài sinh vật ngoại lai nhập khẩu cũng tạo mối nguy lớn cho môi trường sinh thái. Đằng sau việc đưa công nghệ lạc hậu, đưa sinh vật độc hại biến đổi gen vào Việt Nam không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, mà còn thể hiện âm mưu chiến tranh sinh thái, đe dọa ANMT ở nước ta.
Bảo đảm ANMT là nội dung quan trọng của bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển bền vững. Đến nay, Việt Nam đã ký kết tham gia 23 công ước quốc tế về môi trường, đang cùng148 quốc gia khác thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Những cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện Việt Nam là một quốc gia thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Để bảo đảm ANMT, cần sự triển khai thường xuyên và lâu dài các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và nhất quán, nổi bật là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, củng cố ý thức bảo vệ môi trường cho mọi công dân và doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường; tích cực sử dụng hệ thống công cụ kinh tế và đẩy mạnh kiểm toán môi trường; xây dựng và áp dụng Bộ Tiêu chí và xác định Bộ Chỉ số ANMT phù hợp với điều kiện của Việt Nam; nâng cao năng lực các tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường, dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác và chủ động ứng phó với các diễn biễn thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu. Tăng cường đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh trồng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Đặc biệt, cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại theo yêu cầu phát triển, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xanh, sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường xử lý rác thải, nước thải, khí thải gây ô nhiễm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên, du nhập các sinh vật ngoại lai và bảo tồn đa dạng sinh học. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhất là với chính phủ các nước, ngăn chặn các xung đột về môi trường giữa nước ta với các nước láng giềng có chung lợi ích trong bảo đảm ANMT…/.