Chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong một địa phương còn chênh lệch lớn

(BKTO) - Đây là thông tin tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 Cụm thi đua số 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) diễn ra sáng 28/7.



                
   

Một giờ học trên máy tính của cô và trò trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên). Ảnh: N.LỘC

   

Cụm thi đua số 2, Bộ GD&ĐT bao gồm 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng: Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Ninh Bình, Trưởng cụm thi đua số 2, trong năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT các tỉnh cụm 2 đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, đề án, chính sách phát triển giáo dục; triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ năm học, phát huy tính ổn định, những điểm mạnh của vùng có các chỉ số giáo dục phát triển cao.

Mạng lưới và quy mô giáo dục đào tạo phát triển đa dạng phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở mức cao, ổn định, có rất ít học sinh bỏ học. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì tốt. Tích cực thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học; chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, bậc học luôn được củng cố, nâng cao.

Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn cho dạy và học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; việc bồi dưỡng, tập huấn theo chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện trên diện rộng, có hiệu quả.

Qua thảo luận, các đại biểu cũng đề cập đến một số tồn tại, hạn chế mà ngành GD&ĐT các tỉnh cụm 2 cần được khắc phục, tháo gỡ. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền ở mỗi tỉnh, giữa công lập và tư thục, giữa chính quy và giáo dục thường xuyên; còn xảy ra bạo lực học đường, trường học thiếu an toàn.
                
   

Năm học 2021-2022, các địa phương cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Kết quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa đạt kết quả như mong muốn; việc khai thác sử dụng các điều kiện dạy - học một số nơi chưa tốt, chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Một số tỉnh còn tình trạng cơ sở vật chất một số trường học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, có tình trạng trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối, không đồng bộ về cơ cấu, chủng loại giáo viên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh ghi nhận kết quả của từng đơn vị trong Cụm, đồng thời nhấn mạnh những lưu ý trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022. Theo đó, các Sở cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, Công văn chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm năm học; thực hiện nghiêm túc kế hoạch, chương trình giáo dục đảm bảo thời gian quy định; trong đó tập trung khắc phục những bất cập vừa qua, đặc biệt là tình trạng chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong một tỉnh; giữa các tỉnh với nhau.

Các địa phương, đơn vị cần triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục và phải được triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh, từng cơ sở giáo dục biết, thực hiện.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong một địa phương còn chênh lệch lớn