Chi cho khoa học công nghệ còn cách xa so với mục tiêu

(BKTO) - Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”. Đây là tư duy mới, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta.

12-khcn.jpg
Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng bố trí nguồn lực phát triển KHCN. Ảnh: ST

Thời gian qua, để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng bố trí nguồn lực phát triển KHCN. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Nâng tổng đầu tư xã hội cho KHCN đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030. Tăng đầu tư của Nhà nước cho KHCN bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm”. Luật KHCN số 29/2013/QH13 cũng quy định: “Nhà nước đảm bảo chi cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KHCN”. Ngoài ra, Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022) xác định: “Đến năm 2025, đầu tư cho KHCN đạt 1,2-1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8-1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%. Đến năm 2030, đầu tư cho KHCN đạt 1,5-2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1-1,2% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65-70%”.

Giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ KHCN đã cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chiến lược phát triển KHCN; tham mưu hoàn thiện cơ sở pháp lý, thúc đẩy ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm KHCN tiên tiến vào đời sống; phối hợp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án KHCN cấp quốc gia…

Cùng với một số kết quả đáng ghi nhận, thực tế vẫn cho thấy một số tồn tại, bất cập được phát hiện qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022.

Thứ nhất, kinh phí đầu tư cho KHCN những năm qua chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 2% tổng chi NSNN theo yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật KHCN và đạt rất thấp so với GDP. Cụ thể, qua kiểm toán cho thấy, dự toán chi NSNN cho KHCN trung bình giai đoạn 2020-2022 là 17.494 tỷ đồng, chiếm 1,01% tổng chi NSNN, đạt 0,2% GDP.

Thứ hai, việc xác định mục tiêu của Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo chưa phù hợp về số liệu. Đến năm 2025, nếu tổng chi quốc gia cho KHCN đạt 0,8-1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%, thì tổng đầu tư cho KHCN phải đạt từ 2-2,8% GDP, không phải là 1,2-1,5% GDP như Chiến lược đề ra. Hơn nữa, mục tiêu Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đề ra đến năm 2025 giảm so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW (trên 2% GDP vào năm 2020) nhưng Bộ KHCN khi tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược đã không thuyết minh việc giảm này. Ngoài ra, mục tiêu đặt ra tại Chiến lược không khả thi, bởi xét trên số liệu điều tra của Bộ KHCN, năm 2021, đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm khoảng 55% tổng đầu tư của toàn xã hội, thì tổng đầu tư cho KHCN (chi NSNN và chi đóng góp xã hội) trung bình giai đoạn 2020-2022 đạt tỷ lệ 0,5% GDP, còn cách xa so với mục tiêu Chiến lược đề ra (từ 1,2-1,5% GDP).

Thứ ba, mức đầu tư cho KHCN của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tổng chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bình quân của thế giới năm 2021 so với GDP là 1,93%; các nước Đông Nam Á là 1,07%; một số quốc gia châu Á có mức chi cho KHCN cao so với mức trung bình của thế giới là: Hàn Quốc 4,92% (đứng thứ 2 thế giới); Nhật Bản 3,2%; Trung Quốc 2,4%.

Thứ tư, khả năng “hấp thụ” của ngành KHCN còn chưa tương xứng. Qua kiểm toán cho thấy, nhu cầu của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương hằng năm đã được Bộ KHCN rà soát, tổng hợp lại thì hầu hết số dự toán Bộ KHCN đề xuất được chấp thuận và được Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Mặc dù chi đầu tư cho KHCN đạt thấp so với yêu cầu đề ra nhưng hằng năm, số hủy dự toán, số nộp trả NSNN, chuyển nguồn ngân sách sang năm sau lớn.

Bộ KHCN chưa chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo dẫn đến cơ sở dữ liệu KHCN quốc gia không đầy đủ thông tin về kết quả hoạt động KHCN và cơ sở xây dựng Chiến lược, định hướng nghiên cứu KHCN trình Chính phủ và Quốc hội. Việc thực hiện chưa nghiêm túc, chưa công khai, minh bạch thông tin về nhiệm vụ KHCN các cấp thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu có thể dẫn đến việc chồng chéo, trùng lặp trong phê duyệt và giao thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách và việc điều hành chính sách vĩ mô, hoạt động giám sát và quản lý kinh phí sự nghiệp KHCN của Nhà nước.

Cụ thể, bình quân giai đoạn 2020-2022, kinh phí chuyển nguồn hằng năm chiếm tỷ trọng 36,3% (4.350,4 tỷ đồng/11.989,7 tỷ đồng) so với dự toán giao bình quân giai đoạn 2020-2022; trong đó chủ yếu là của các nhiệm vụ dừng, không hoàn thành hoặc hết thời gian thực hiện, một số nội dung nghiên cứu giống nhau giữa các đề tài, dự án nghiên cứu mà chưa có tính kế thừa, phần nào gây lãng phí nguồn lực NSNN vốn đã rất hạn hẹp dành cho nghiên cứu khoa học.

Cùng với đó, việc thanh toán một số khoản chi vượt định mức, vượt dự toán, không có trong chế độ quy định, trùng nội dung giữa các chuyên đề, sai nguồn, không đúng niên độ; sai sót trong quản lý sử dụng thiết bị, vật tư, vật chất cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng NSNN ưu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu KHCN.

Đáng chú ý hơn, theo báo cáo Bộ KHCN, từ năm 2014-2022, không có số liệu về số lượng Bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ có 2.995 nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN có báo cáo về tính ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, nội dung báo cáo chưa đầy đủ các chỉ tiêu, chưa có nhiệm vụ nào lượng hóa được hiệu quả kinh tế, thương mại của kết quả nghiên cứu theo thuyết minh được phê duyệt. Bộ KHCN cũng không đủ cơ sở dữ liệu tổng hợp kết quả việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN sử dụng NSNN./.

Cùng chuyên mục
  • Cần phát triển điện mặt trời mái nhà theo lộ trình phù hợp
    13 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Chỉ ra nhiều bất cập trong phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Bộ Công Thương có chính sách dài hạn để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó lưu ý đến phát triển các dự án ĐMTMN để có lộ trình phát triển phù hợp, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, tạo điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch.
  • Kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường: Còn nhiều thách thức
    13 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Với những ưu thế nổi bật, việc áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ) vào kiểm toán lĩnh vực môi trường là xu thế chung được các cơ quan kiểm toán thực hiện, trong đó có Việt Nam. Song, do độ khó của loại hình kiểm toán này, cộng với sự phức tạp của lĩnh vực môi trường khiến việc kiểm toán gặp nhiều thách thức, đòi hỏi đơn vị kiểm toán cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
  • Tích cực thực hiện kiến nghị, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Kiểm toán nhà nước
    13 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Là địa phương có quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước (KTNN), cũng như tích cực thực hiện kiến nghị kiểm toán, Kiên Giang đang nỗ lực để đưa mối quan hệ phối hợp công tác đi vào chiều sâu, thực chất.
  • Hướng dẫn mới về quản lý và kiểm tra dịch vụ kế toán
    13 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán (Thông tư 23).
  • Đánh giá rủi ro khi tiếp nhận một cuộc kiểm toán mới
    13 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Thực hiện một cuộc kiểm toán hoàn toàn mới với đơn vị lần đầu hợp tác hay với tư cách là kiểm toán viên (KTV) kế nhiệm chưa bao giờ là đơn giản đối với các KTV. Ngay cả khi đã có nhiều kinh nghiệm, các KTV vẫn phải cân nhắc và trao đổi với đơn vị để xác định sớm những rủi ro và thách thức.
Chi cho khoa học công nghệ còn cách xa so với mục tiêu