Chia sẻ kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Vừa qua, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) phối hợp với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa (SASAC) tổ chức Tọa đàm “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc”. Cùng tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo cấp cao của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

5.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: UBV

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nói chung và hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng và đang có nhiều bước tiến tích cực, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho cả hai bên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng, chú trọng phát triển bền vững, lấy con người là trung tâm, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa giá trị con người. Trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Nghị quyết riêng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu: "Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Để phát huy hơn nữa vai trò và giá trị của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế mỗi nước nói riêng, hợp tác kinh tế hai nước nói chung, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, doanh nghiệp hai bên có thể tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh…

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLV cho biết, tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP đạt xấp xỉ 30%, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế về hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

Do đó, Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh mong muốn hai bên chia sẻ về những bài học kinh nghiệm; đưa ra những kiến nghị, đề xuất, gợi mở về chính sách để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nhân tố phát triển mới, để đảm bảo cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc đi vào thực chất.

Tại Tọa đàm, ông Trương Ngọc Trác, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước, Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy vai trò cơ quan giám sát, quản lý vốn nhà nước hướng tới tính chuyên nghiệp, cùng phương thức vận hành, kinh doanh trên thị trường thúc đẩy sự hội nhập của doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu chuyên đề về kết quả, bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy cho biết, đến năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, một số tập đoàn, tổng công ty và dự án đầu tư còn thua lỗ, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế; đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới thay đổi nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều ngành, lĩnh vực mới.

“Với kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước từ năm 2012 của Trung Quốc đến nay sẽ là những bài học kinh nghiệm và giá trị đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước Việt Nam” - Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhận định.

Quá trình cải cách, đổi mới doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cũng gắn liền với quá trình đổi mới nền kinh tế và được quan tâm từ Đại hội IX của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ năm 2001, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và tập trung vào mục tiêu:

Một là, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty một cách toàn diện; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò quan trọng, dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, cuốn hút, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới quản trị doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước;

Hai là, cải cách thể chế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Trước yêu cầu của bối cảnh mới, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cho rằng, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam giai đoạn tới cần phải được ưu tiên, tập trung hơn nữa nhằm phát huy vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, thực hiện vai trò dẫn dắt, tích cực chủ động tham gia xây dựng phát triển đất nước để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam.

Thời gian qua, hai cơ quan Ủy ban của hai nước đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, tham quan, học tập. SASAC đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cao cấp cho doanh nghiệp nhà nước của UBQLV. UBQLV mong muốn SASAC tiếp tục mở các lớp đào tạo, đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam các lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Trung Quốc như cơ sở hạ tầng công nghệ cao, năng lượng sạch và viễn thông.

Nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc phát huy vai trò cơ quan giám sát, quản lý vốn nhà nước hướng tới ngày càng chuyên nghiệp, ông Trương Ngọc Trác cho biết, SASAC và UBQLV đã tích cực trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp ứng phó với những thách thức đang đặt ra nhằm thúc đẩy sự hội nhập của doanh nghiệp nhà nước.

Thông qua những cuộc toạ đàm, hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo, ông Trương Ngọc Trác cho rằng đây sẽ là bước đệm thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo bước tiến mới, tăng cường hiểu biết sâu rộng, tiếp tục phát triển quan hệ theo các hướng sau:

Một là, tiếp tục tiếp tục xây dựng cộng đồng chia sẻ Việt Nam - Trung Quốc, phục vụ mục đích phát triển doanh nghiệp 2 nước ở các lĩnh vực công nghệ hạ tầng, năng lượng, công nghiệp, thương mại…

Hai là, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và nhận thức chung cấp cao hai Đảng, hai nước, tranh thủ cơ hội và hiện thực hoá sớm quan hệ hợp tác, cùng xây dựng kết nối "Hai hành lang, Một vành đai” và “Vành đai và Con đường".

Tại Tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi về kết quả, bài học về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại Trung Quốc; bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam và các nội dung lớn khác được quan tâm; các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc đã cùng trao đổi, thảo luận để phát huy hơn nữa vai trò và giá trị của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế mỗi nước nói riêng, hợp tác kinh tế hai nước nói chung…

Cùng chuyên mục
  • Nâng tầm vị thế Thương hiệu quốc gia Việt Nam
    21 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tuần lễ Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 15-21/4 trên phạm vi cả nước, với các hoạt động phong phú, đa dạng.
  • Không để các hộ nghèo tiếp cận với hoạt động tín dụng đen
    21 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng tại cuộc họp giao ban quý I/2024 của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh Bắc Kạn mới đây.
  • Kinh tế Việt Nam: Lạc quan nhưng vẫn nên thận trọng
    21 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng, năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn cần thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn…
  • Lạng Sơn: Giải ngân vốn đầu tư công quý I/2024 đạt thấp
    21 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Những tháng đầu năm, TP.Lạng Sơn đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên,vẫn còn một số hạn chế trong công tác giao, phân bổ kinh phí, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp…
  • Thu ngân sách nhà nước hơn 2.200 tỷ đồng thông qua đấu giá biển số xe
    21 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và Nghị định số 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết 73, Bộ Công an đã đấu giá thành công hơn 17.000 xe ô tô, với số tiền thu đấu giá hơn 2.200 tỷ đồng trong 6 tháng qua.
Chia sẻ kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước