Kiểm toán chỉ ra nhiều thiếu sót, tồn tại
Tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho KHCN giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, các đại biểu cho biết, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có những phát hiện quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp KHCN.
Kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN trong những năm qua chưa đạt tỉ lệ tối thiểu 2% tổng chi ngân sách...
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ nhằm tạo động lực khuyến khích phát triển thị trường KHCN, còn một số vướng mắc về cơ chế như: Chưa có quy định về đấu giá tài sản là kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; chưa có cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức nghiên cứu công sở hữu các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Do một số vướng mắc về cơ chế nên các quỹ đặc thù do Bộ KHCN quản lý hầu như chưa thực hiện chức năng cho vay vốn và bảo lãnh vốn vay cho các nhiệm vụ KHCN nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp KHCN chưa sát với thực tiễn đề xuất cũng như vượt quá khả năng của đơn vị, giao không đúng tiến độ; đồng thời, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thực hiện nhiệm vụ KHCN chậm tiến độ so với thuyết minh được phê duyệt, nhiều nhiệm vụ phải xin gia hạn thời gian thực hiện dẫn đến số chi chuyển nguồn kinh phí hàng năm còn lớn phần nào gây lãng phí nguồn lực ngân sách vốn đã rất hạn hẹp dành cho nghiên cứu khoa học.
Theo KTNN chuyên ngành III - đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, kết quả kiểm toán tại Bộ KHCN làm cơ sở để kiến nghị với Bộ tập trung rà soát việc thực hiện các quy định tại Luật KHCN, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KHCN đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển KHCN.
Thông qua kiểm toán, KTNN kiến nghị cấp có thẩm quyền tổng kết, đánh giá việc sử dụng kinh phí ngân sách đầu tư cho phát triển KHCN.
Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực KHCN
Phó Kiểm toán Trưởng KTNN chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc
Đơn cử, theo Phó Kiểm toán Trưởng KTNN chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc, đối với quy định “bố trí kinh phí cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm được quy định tại Luật KHCN” Bộ KHCN cần báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định và phân bổ ngân sách phù hợp, khắc phục tình trạng sử dụng nguồn lực NSNN chưa hiệu quả, góp phần giúp cho việc quản lý, sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề
Tại Tọa đàm, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, những phát hiện nổi bật từ cuộc kiểm toán chuyên đề này, các ý kiến đã góp ý để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm toán chuyên đề nói chung, kiểm toán chuyên đề KHCN nói riêng. Trong đó, đại diện các đơn vị đã tập trung cho ý kiến về kiểm toán lồng ghép đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề; bố trí nhân lực khi tham gia kiểm toán chuyên đề…
Việc tổ chức cuộc kiểm toán lồng ghép cùng với giai đoạn được kiểm toán dài, giới hạn về nhân lực và thời gian dẫn đến việc kiểm toán chuyên đề phần nào ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Do đó, trong thời gian tới, vấn đề này cần được xem xét và tổ chức cách thức kiểm toán cho phù hợp.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Huỳnh Hữu Thọ
Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về các phát hiện kiểm toán chủ yếu trong cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho KHCN giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương thời gian qua: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KHCN chưa đạt kỳ vọng như mục tiêu đề ra; bất cập trong cơ chế, chính sách về KHCN; kết quả nghiên cứu chưa được đưa vào ứng dụng…
Kết luận Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, qua công tác kiểm toán cho thấy, công tác tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về KHCN còn nhiều sai phạm gây lãng phí NSNN (như: chi chuyển nguồn hàng năm còn lớn; tồn tại trong công tác lập, phân bổ, giao và thực hiện dự toán KHCN, trong công tác thẩm định, phê duyệt và thanh quyết toán nhiệm vụ KHCN, công tác mua sắm, xử lý tài sản; quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp KHCN chưa hiệu quả…).
Kết quả cuộc kiểm toán đã mở ra nhiều vấn đề, nhất là về cách thức tổ chức, thực hiện kiểm toán, nên tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề riêng hay lồng ghép? Tuy nhiên, dù theo hình thức nào thì đơn vị được giao chủ trì phải khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt đối với cuộc kiểm toán chuyên đề. “Cần thống nhất cách thức tổ chức trong toàn Ngành đối với chuyên đề được lựa chọn” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị, trong thời gian tới, KTNN sẽ tổ chức nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, do đó, các đơn vị cần tiếp tục thảo luận, thống nhất để có cách làm hiệu quả đối với các chuyên đề tương tự.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các bài tham luận, cũng như ý kiến thảo luận tại Toạ đàm đã tập trung đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm toán lĩnh vực KHCN như: Thực hiện lãnh đạo đổi mới từ khâu khảo sát, xây dựng kế hoạch kiểm toán; Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Khẳng định Tọa đàm đã thành công tốt đẹp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, những kết quả từ Tọa đàm sẽ gợi mở cách làm, từ đó hướng đến nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề nói chung, chuyên đề KHCN trong các năm tiếp theo nói riêng.
Vụ Tổng hợp cần phối hợp tham mưu với lãnh đạo KTNN để hoàn thiện hơn nữa cách thức tổ chức kiểm toán chuyên đề cho phù hợp, hiệu quả. “Sau Tọa đàm, đơn vị chủ trì cần tổng hợp các ý kiến đóng góp, trình lãnh đạo KTNN xem xét, chỉ đạo hoàn thiện công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề trong toàn Ngành" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu.