Chỉnh lý, làm rõ nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

(BKTO) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chỉnh lý đã làm rõ hơn nhiều vấn đề, các nội dung được quy định dễ hiểu hơn, nhất là Luật đã bổ sung 06 điều mới.

Chiều 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

150320240437-z5252030527599_48bf99fc2b34ddc1cfe161bdfe01bef0.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 6, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đồng thời, hai cơ quan phối hợp tổ chức các tọa đàm chuyên gia để cho ý kiến về một số nội dung lớn của Dự thảo Luật, tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, gửi văn bản đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, ngành có liên quan có ý kiến về nội dung tiếp thu, chỉnh lý sơ bộ.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là Dự án Luật rất khó, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, phải bảo đảm đồng thời tối ưu quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng và an toàn, cân đối, tăng trưởng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong dài hạn.

Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo Luật, bên cạnh các các nội dung sửa đổi, bổ sung mà Chính phủ trình Quốc hội và vấn đề về kỹ thuật lập pháp, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn và có sự thống nhất giữa các cơ quan.

Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan và đã báo cáo xin ý kiến Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn về những nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật.

150320240425-z5251971779641_acb663dd2dd8d076f97ac47154d3b446.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo các nội dung tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Theo bà Nguyễn Thuý Anh, Dự thảo Luật về cơ bản đã bám sát, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách BHXH, đặc biệt là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH. Dự thảo chỉnh lý đã làm rõ hơn nhiều vấn đề, các nội dung được quy định dễ hiểu hơn.

Đặc biệt, Dự thảo Luật đã bổ sung 06 điều mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện BHXH qua hình thức giao dịch điện tử; tăng cường trách nhiệm của không chỉ cơ quan BHXH, UBND các cấp mà cả đối với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; bổ sung quy định cơ chế đặc thù để góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH.

 Tại Kỳ họp thứ 6 có 148 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và 27 lượt đại biểu phát biểu ý kiến phát biểu tại Hội trường, 08 đại biểu tranh luận và 07 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về các nội dung của Dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây Dự án Luật khó trong quá trình thiết kế các chính sách. Hiện nay, vẫn còn 6 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH(sửa đổi), bao gồm: Vấn đề về hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần; về tác động của cải cách chính sách tiền lương; về tài chính BHXH; về tổ chức thực hiện BHXH trên môi trường giao dịch điện tử; về biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc; về Bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau về quy định đối tượng chủ hộ kinh doanh là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý BHXH; về quản lý hoạt động đầu tư Quỹ BHXH.

Ngoài ra, trong Dự thảo Báo cáo của UBTVQH còn nêu 52 nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý; 16 nhóm nội dung mới so với Luật hiện hành.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến, góp ý về những vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật. Theo dự kiến, sau khi UBTVQH cho ý kiến, Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, trình cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây./.

Cùng chuyên mục
Chỉnh lý, làm rõ nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)