Thị trường mua bán nợ trông đợi việc hoàn thiện khung pháp lý

(BKTO) - Những khó khăn chủ yếu trong việc mua bán nợ hiện nay là do thiếu các quy định cụ thể, vì vậy, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về thị trường mua bán nợ để việc xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn. Đây là khuyến nghị được nhiều chuyên gia nêu ra tại Hội thảo khoa học về thị trường mua bán nợ do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa tổ chức.



Thị trường mua bán nợcòn nghèo nàn và vướng mắc

Nhận định về thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, PGS.TS. Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển - cho rằng, hàng hóa trên thị trường này còn nghèo nàn. Ở các nước trên thế giới, hàng hóa trên thị trường mua bán nợ là các chứng khoán nợ như: trái phiếu DN, trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, giấy chứng nhận tiền gửi và các khoản vay có giá trị khác… Còn ở Việt Nam, hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chủ yếu là trái phiếu chính phủ (chiếm 90% tổng giá trị thị trường), phần nhỏ còn lại là các khoản nợ của khách hàng đối với tổ chức tín dụng. Cùng với đó, các chủ thể tham gia thị trường cũng rất hạn chế, bên mua nợ chỉ bao gồm một vài công ty và bên bán nợ cũng thuộc nhóm đối tượng hẹp.

Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lại cho rằng, hàng hóa cho hoạt động mua bán nợ đang khá “dồi dào” với tổng dư nợ khoảng 6 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 125% GDP, trong đó nợ xấu và nợ tiềm ẩn khoảng 8,6%, tương đương 516 nghìn tỷ đồng. Đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới mua được khoảng 300 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Mặt khác, trước đây, nợ xấu được mua bán chủ yếu với VAMC theo giá trị sổ sách. Hiện nay, mặc dù đã có cơ chế được mua theo giá thị trường nhưng vẫn chưa quy định cụ thể. Tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, nhiều nội dung tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi thu giữ đã được quy định. Nghị quyết này cũng cho phép sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, nhưng các chủ thể này còn tham gia rất hạn chế do thị trường chưa có chuẩn chung về nợ được mua bán, chưa có các nhà môi giới chuyên nghiệp và các tổ chức định giá tài sản độc lập uy tín để thẩm định các khoản nợ…

Bổ sung thêm thông tin về những vướng mắc này, ông Vi Tuấn Hiệp - Chánh văn phòng VAMC - cho biết, các tổ chức mua bán nợ còn gặp nhiều khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm, như: thông tin về các khoản nợ và tài sản bảo đảm thiếu minh bạch, vấn đề quyền sở hữu tài sản trong việc mua bán nợ chưa được quy định rõ. Bên cạnh đó, không ít trường hợp hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm đã đầy đủ nhưng khi kiểm tra thì tài sản này đã bị lấn chiếm, việc này khiến cho bên mua nợ mất nhiều thời gian thẩm định khoản nợ để quyết định có mua nợ hay không.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, trước mắt là ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ. Theo đó, Chính phủ cần cho phép các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng… tham gia vào thị trường này. Ngoài ra, phương thức mua bán nợ thông qua hình thức chứng khoán hóa các khoản nợ xấu cũng phải được mở rộng. Việc chứng khoán hoá các khoản nợ cần có các tổ chức chuyên trách trung gian về mua bán nợ. Tổ chức này không nhất thiết phải là VAMC mà có thể là các tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức hỗ trợ thanh khoản, tổ chức xếp hạng khoản nợ được mua bán và đặc biệt là các tổ chức độc lập định giá tài sản, bởi việc định giá các khoản nợ xấu đang là một vấn đề rất khó khăn.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - để đảm bảo thị trường mua bán nợ vận hành hiệu quả hơn, cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ thị trường mua bán nợ trên cơ sở hệ thống văn bản pháp lý hoàn thiện về hoạt động mua bán nợ, trong đó có tài sản bảo đảm.

Đó là xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc tiến hành các thủ tục pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm như: hợp thức hóa các tài sản chưa rõ ràng về pháp lý để xử lý, chuyển nhượng; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tố tụng, thi hành án theo hướng rút ngắn thời gian, thủ tục giải quyết các vụ kiện dân sự liên quan đến đòi nợ; khuyến khích mọi đối tượng tham gia vào thị trường để tối đa hóa nguồn vốn nhàn rỗi; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động mua bán nợ xấu nhằm gia tăng nguồn vốn nước ngoài trên thị trường mua bán nợ.

Để đảm bảo xác định chính xác mức giá giao dịch trên thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước cần thúc đẩy việc xây dựng hệ thống cơ sở xác định giá trị khoản nợ, quy định cụ thể phương thức mua bán nợ. Cùng với đó, phải hình thành và phát triển các công ty định giá độc lập để tiến hành xác định giá trị các khoản nợ và tiến tới xem xét tổ chức thị trường tập trung dưới dạng một sàn giao dịch trực tuyến. Việc mua bán được thực hiện thông qua đấu giá công khai. Sau khi đấu giá thành công, các bên sẽ tiến hành các thủ tục theo trình tự để chuyển quyền sở hữu theo luật định…

Được biết, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Sự ra đời của Nghị định này được kỳ vọng là sẽ mang lại những bước tiến mới cho cơ chế đặc thù về xử lý nợ xấu và tạo sự thuận lợi, đa dạng hơn cho thị trường mua bán nợ.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toan số 49 ra ngày 07-12-2017
Cùng chuyên mục
  • Thấy gì từ việc các ngân hàng thoái vốn?
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Trong tháng 11 này, thị trường đã chứng kiến những thương vụ thoái vốn thành công của một số ngân hàng. Trước đó, không ít ngân hàng cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch thoái vốn.
  • Cải cách mạnh mẽ hơn chính sách thuế, hải quan
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính vừa tổ chức, những nỗ lực của ngành Thuế, Hải quan trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách chính sách, pháp luật đã được các nhà quản lý cũng như cộng đồng DN ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật, chính sách thuế, hải quan vẫn bộc lộ những bất cập, chưa đáp ứng hết kỳ vọng của DN.
  • Tiếp tục tháo gỡ khó khăn,  vướng mắc để xử lý triệt để nợ xấu
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Sau 3 tháng triển khai, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã đạt được những kết quả bước đầu. Đây chính là tiền đề, tạo động lực cho các cơ quan chức năng cũng như các ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
  • Cần tháo gỡ khó khăn trong  công tác kiểm tra, đối chiếu thuế
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hoạt động kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế tại cơ quan thu không chỉ góp phần đảm bảo tính tuân thủ đối với các quy định về thu ngân sách mà còn bổ trợ cho việc đánh giá, xác nhận tính đúng đắn của báo cáo quyết toán cũng như kiến nghị về công tác tổ chức thực hiện thu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, các Đoàn kiểm toán còn gặp một số khó khăn, đòi hỏi KTNN phải có các giải pháp khắc phục kịp thời.
  • Cơ chế đặc thù cho TP. HCM:  Tạo động lực cho đầu tàu  kinh tế phát triển
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 20/11, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc thông qua Nghị quyết theo quy trình một kỳ họp; đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thị trường mua bán nợ trông đợi việc hoàn thiện khung pháp lý