Thưa ông! Ngành ngân hàng đã khép lại một năm rất đặc biệt trong điều hành CSTT. Ông cảm nhận như thế nào về bức tranh tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022?
Cũng giống như cảm nhận của tôi đối với nền kinh tế, bức tranh tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022 có những điểm tích cực. Để thấy rõ điểm tích cực, chúng ta phải nhìn vào kết quả cuối cùng, đó là nền kinh tế đã phục hồi, dù sự phục hồi này chưa đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Một điểm nữa là ổn định vĩ mô, ví dụ, lạm phát tương đối thấp, đặc biệt là nếu so với các nước, có thể thấy, hệ thống ngân hàng của chúng ta nhìn chung vẫn hoạt động tương đối ổn định. Đằng sau kết quả tích cực này là nỗ lực của nhiều bên, trong đó có dấu ấn của CSTT và hoạt động ngân hàng.
Điểm tích cực nữa là CSTT đã tương đối bám sát tình hình trong và ngoài nước. Đồng thời, ở một chừng mực nhất định, CSTT đã có sự phối hợp tương đối tích cực với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa. Cơ quan điều hành đã lắng nghe thị trường, lắng nghe phản hồi của các bên để đưa ra các quyết định kịp thời. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định và thách thức, CSTT đã góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Tuy vậy, bức tranh tiền tệ vẫn còn có điều trăn trở liên quan đến giám sát điều hành. Nếu chúng ta làm tốt hơn công tác giám sát trong nửa đầu năm thì điều này đã giúp giảm bớt được áp lực và rất nhiều các “cú sốc” từ bên ngoài. Do công tác giám sát chưa thực sự chặt chẽ nên vấn đề thanh khoản ít nhiều bị ảnh hưởng, dẫn đến khi có “cú sốc”, chúng ta phải chuyển đổi chính sách khá mạnh, ví dụ tăng lãi suất, “thả” ít nhiều biên độ để tỷ giá linh hoạt hơn. Việc chuyển đổi chính sách rất khó và điều này ít nhiều làm thị trường xao động. Lẽ ra, chúng ta đã có thể có cách làm mềm mại hơn.
Một trong những thách thức lớn nhất của CSTT năm 2022 là đảm bảo thực hiện đa mục tiêu. Vậy theo ông, năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hóa giải thách thức này ra sao?
Cần nhấn mạnh thêm rằng, năm 2022, áp lực bất ổn vi mô cũng như lạm phát ở bên ngoài rất cao. Trong ngắn hạn, việc có được một CSTT, kể cả phối hợp với chính sách vĩ mô khác để đảm bảo đa mục tiêu không hề đơn giản. Vì chỉ cần một thay đổi chính sách như lãi suất hay tỷ giá, chúng ta có thể phải “đánh đổi” giữa các mục tiêu. Tìm một điểm đủ liều lượng để hạn chế kỳ vọng mất giá mạnh của đồng Việt Nam, hạn chế lạm phát dâng lên nhưng lại không quá gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đó là bài toán khó đối với NHNN.
Cụ thể hơn, giữa rất nhiều thách thức, áp lực, cơ quan điều hành phải chọn “điểm huyệt” để tập trung ứng xử, ví dụ, đối mặt với vấn đề thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, rộng hơn là an toàn hệ thống, chúng ta cần tập trung vào vấn đề gì để ít nhiều vẫn giữ được các mục tiêu mà mình mong muốn và lan tỏa sang các lĩnh vực khác theo chiều hướng tích cực. Đơn cử, cuối tháng 7/2022, chúng ta tập trung vào câu chuyện bảo vệ giá trị đồng tiền, tỷ giá nhưng khi áp lực quá lớn, chúng ta buộc phải thay đổi. Khi áp lực bên ngoài đỡ hơn, CSTT của các nước bớt diều hâu hơn, lạm phát qua đỉnh và trong nước, tỷ giá giảm, ta nới room tín dụng.
Khép lại câu chuyện của năm cũ, bước sang năm 2023, NHNN cần lưu ý những điều gì trong điều hành CSTT, thưa ông?
Tôi cho rằng, năm 2023, vẫn còn đó những cơn gió ngược của năm cũ gây áp lực lên lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tăng lương... Đồng thời, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới và rất nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam gây ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, rõ nhất là câu chuyện xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục có những biến động, CSTT vẫn hướng tới nhiều mục tiêu: Ổn định vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ tiếp tục là thách thức đối với NHNN trong điều hành CSTT. Ngay cách đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát khoảng 4,5% đã cho thấy thách thức rất lớn của cơ quan điều hành trong việc đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu, nhất là trong điều kiện dư địa CSTT khá hạn hẹp.
Điểm đáng lưu ý trong năm 2023, đặc biệt giai đoạn đầu năm là NHNN cần tiếp tục xử lý những vấn đề liên quan đến tỷ giá, thanh khoản, mặc dù cuối năm vừa qua, thanh khoản đã được cải thiện, áp lực tỷ giá cũng đã giảm bớt. Việc bảo vệ giá trị đồng nội tệ cùng các câu chuyện liên quan đến ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Chưa kể, ngành ngân hàng cũng sẽ phải quan tâm hơn đến nợ xấu.
Mặt khác, chúng ta đang nỗ lực xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ, thị trường bất động sản. Điều này đặt ra yêu cầu chỉnh sửa pháp lý, quy trình để khơi thông dòng vốn và nguồn lực tài chính cho các dự án. Các chính sách cần được thiết kế để tập trung hỗ trợ phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... Việc tái cấu trúc một số tập đoàn, doanh nghiệp đòi hỏi phải dịch chuyển tiền tệ và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, quan trọng hơn là tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, vấn đề giám sát cần được chú trọng hơn.
Ông vừa nhấn mạnh tới công tác giám sát. Vậy trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều việc phải làm và cần đến nguồn lực đầu tư công lớn, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN)?
Trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn lớn, các cơ quan thanh tra, giám sát cũng như KTNN đóng vai trò rất quan trọng và càng quan trọng hơn ở giai đoạn hiện nay, khi nhiều nơi đang sợ trách nhiệm, không dám làm, rõ nhất là đầu tư công rất chậm. Vai trò của KTNN không dừng lại ở việc chỉ ra đúng, sai mà quan trọng hơn, cần nhận thấy rõ những lỗ hổng, bất cập, những vấn đề cần rút kinh nghiệm để kiến nghị chỉnh sửa nhanh chóng các khuôn khổ pháp lý nhằm đảm bảo cho nguồn vốn nhà nước được giải ngân nhanh và sử dụng hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.