Phục dựng niềm tin kinh tế

(BKTO) - Nền kinh tế năm 2022 khởi động với tăng trưởng quý I chỉ tăng 5,05% nhưng sang quý II đã tăng 7,83% và quý III tăng vọt tới 13,71%, khiến cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 thiết lập mức 8,02% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 - vượt xa so với mục tiêu kế hoạch chỉ tăng trưởng 6-6,5%. Tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới đó càng đặc biệt hơn trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng.

17-bai-ong-vu-dinh-anh.jpg
Niềm tin kinh tế đã và đang được phục dựng vững chắc và khả quan. Ảnh sưu tầm

Kinh tế toàn cầu năm 2022 dự báo chỉ tăng dưới 3% và thậm chí sang năm 2023 còn tăng thấp hơn nữa khi cả 3 đầu tàu tăng trưởng toàn cầu là: Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có tốc độ tăng trưởng thấp, thậm chí có thể rơi vào suy thoái trong ngắn hạn. Chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện vững chắc hơn khi tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24% và khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Đặc biệt, khu vực dịch vụ bật tăng mạnh trở lại với tốc độ 9,99% - cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 sau khi đã chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2022, quy mô GDP theo giá hiện hành đã đạt 9,513 triệu tỷ đồng (tương đương 409 tỷ USD), đưa Việt Nam vào top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhờ vậy, GDP bình quân đầu người năm 2022 (giá hiện hành) lên tới 95,6 triệu đồng/người (tương đương 4.110USD, tăng 393USD so với năm 2021).

Rõ ràng, niềm tin kinh tế đã và đang được phục dựng vững chắc và khả quan, cả niềm tin tiêu dùng của toàn xã hội lẫn đầu tư cũng như xuất khẩu sau khi đã sụt giảm nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19 suốt 2 năm 2020 và 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt tới gần 5,68 triệu tỷ đồng, tăng vọt 19,8% so với năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng tới 15,6% trong khi con số tương ứng năm 2021 giảm 6,7%. Nếu so với năm 2019 là năm trước đại dịch thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 cũng tăng 15%. Đáng chú ý, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2022 có ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,9% so với năm trước; may mặc tăng 19,1%; phương tiện đi lại tăng 13,8%; lương thực, thực phẩm tăng 10%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7%...

Bên cạnh niềm tin tiêu dùng gia tăng, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng được củng cố vững chắc hơn, đóng góp tích cực vào thành tích tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 (giá hiện hành) đạt gần 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021, trong đó, vốn khu vực nhà nước chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 14,6%, còn khu vực ngoài nhà nước bằng 58,2% và tăng 8,9% trong khi khu vực FDI có tỷ trọng 16,2% và tăng 13,9%. Đáng chú ý là hiệu quả đầu tư được nâng lên rõ rệt khi quy mô đầu tư tương đương 33,8% nên ICOR chỉ còn 4,22.

Năm 2022, cả nước có 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 27,1% về số doanh nghiệp so với năm 2021. Bên cạnh đó, còn có 59.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2022 lên tới gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước - mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Cùng với sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giữ vai trò trụ cột cho tăng trưởng kinh tế bất chấp những biến động của thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt kỷ lục 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Tính độc lập của nền kinh tế cũng được cải thiện khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 chỉ là 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, nhờ vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 thặng dư kỷ lục ở mức 11,2 tỷ USD. Niềm tin tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu sẽ tiếp tục là cơ sở và động lực thực hiện mục tiêu năm 2023 tăng trưởng GDP trên 6,5%, đồng thời giữ lạm phát dưới 4,5%.

Tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ vững chắc hơn nữa nếu phục dựng được cả niềm tin vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và sự lành mạnh của thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường bất động sản. Từ quý IV/2022, do gia tăng áp lực lạm phát và tỷ giá hối đoái nên chính sách tiền tệ đã thắt chặt với kết quả là đến cuối năm 2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng vỏn vẹn 3,85% so với cuối năm 2021 và huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng 5,99%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% và lãi suất tăng đã gây không ít khó khăn về thanh khoản và vốn cho cả các tổ chức tín dụng lẫn các doanh nghiệp. Mặc dù CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với tháng 12/2021 và CPI bình quân năm 2022 chỉ tăng 3,15%, lạm phát cơ bản bình quân năm tăng 2,59% so với năm 2021 song lạm phát cơ bản tháng 12/2022 lại tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung cho thấy nguy cơ lạm phát tiền tệ năm 2023 cao hơn nhiều so với năm 2022.

Trong khi từ quý IV/2022, chính sách tiền tệ đã thắt chặt thì chính sách tài khóa lại chưa nới lỏng kịp thời khiến cho không chỉ GDP quý IV/2022 chỉ tăng được 5,92% so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chung cả năm 2022 mà còn có thể tác động bất lợi tới mục tiêu tăng GDP của năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt dự toán khoảng 30% và tăng gần 14% so với năm 2021 trong khi tổng chi ngân sách nhà nước chưa tới 90% dự toán năm và tăng hơn 8% so với năm trước. Đặc biệt, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 chỉ đạt hơn 85% kế hoạch năm.

Trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 là tiếp tục phục dựng niềm tin tiêu dùng và đầu tư của toàn xã hội, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh hóa thị trường tài chính - tiền tệ, tín dụng ngân hàng, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi. Chủ động và linh hoạt trong thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, phối hợp với nới lỏng chính sách tài khóa thông qua giảm gánh nặng thu ngân sách nhà nước và tăng tiến độ chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đặc biệt đảm bảo kế hoạch chi đầu tư công - bộ phận cấu thành quan trọng cho tăng trưởng kinh tế không chỉ năm 2023 mà cả các năm tiếp theo./.

Cùng chuyên mục
  • Hành trang và động lực kinh tế năm 2023
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2023 tràn trề năng lượng gắn với đà phục hồi ấn tượng của năm 2022, năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19 (2020-2022), cả nước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch; tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm qua, thuộc top đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần đưa GDP của Việt Nam dự kiến vươn lên thứ 3 về quy mô trong khu vực Đông Nam Á và thứ 33 thế giới năm 2022.
  • Thu ngân sách vượt xa dự toán năm 2022
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đã đạt 1.691.800 tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Theo đó, tỷ lệ động viên vào NSNN lên tới gần 18% GDP, vượt xa mục tiêu 15,2% GDP. Đặc biệt, kết quả đáng kinh ngạc trong thu NSNN thể hiện ở tất cả các khoản thu, các lĩnh vực thu với thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán và thu ngân sách địa phương còn vượt tới 20,4% dự toán. Trong khi thu nội địa vượt
  • Vai trò doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết cả ngang và dọc trong toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.
  • Tăng nguồn thu và trách nhiệm giải trình trong phát triển đô thị
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đại hội XIII của Đảng chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” được coi là một trong ba đột phá chiến lược của giai đoạn 2021-2030, với “trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông đô thị lớn”; “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị” là một trong những nội dung của định hướng chính phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Đại hội Đảng đề ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị đến năm 2030 có tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.
  • Bài toán kép trong chính sách tiền tệ - tín dụng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngược với niềm tin sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% cho cả năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu áp lực gia tăng cơn khát dòng tiền đầu tư, nhất là từ kênh tín dụng ngân hàng và kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Phục dựng niềm tin kinh tế