Vai trò doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp

TS. NGUYỄN MINH PHONG | 15/12/2022 11:23

(BKTO) - Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết cả ngang và dọc trong toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

1-cgia.jpg
Ảnh tư liệu

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, các chuỗi liên kết trên cả nước tạo ra khoảng 11-14% sản lượng nông nghiệp. Chuỗi nông nghiệp đã trực tiếp và gián tiếp giúp người nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường trên cơ sở đặt hàng và mức tiêu thụ, tăng quyền lực thương lượng và tiếp cận kinh nghiệm, thông tin, thị trường, vốn sản xuất để sản xuất những sản phẩm phù hợp thị trường hơn, với chi phí sản xuất tốt hơn; giúp tăng uy tín, năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), đồng thời giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất, mở rộng quy mô sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng nhất và cung cấp thường xuyên từ các HTX hoặc nông hộ ở vùng liên kết, qua đó, gia tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần.

Đặc biệt, phát triển chuỗi nông sản liên kết dọc từ người sản xuất đến người tiêu dùng, với các doanh nghiệp đảm nhận cung ứng vật tư đầu vào, sơ chế, chế biến, tiêu thụ đầu ra có tác động tích cực giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, có lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng...

Tuy nhiên, sự phát triển của chuỗi nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết, nông dân chỉ tham gia khâu duy nhất là sản xuất ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, tổn thất sau thu hoạch cao, còn nhiều hạn chế khác về bảo đảm chất lượng giá trị gia tăng và bảo vệ tài nguyên nông nghiệp, môi trường. Hình thức giao dịch nông sản phổ biến hiện nay là mua bán tự do, giao hàng tại chỗ (kể cả tại ruộng), hiếm có hợp đồng giữa người sản xuất với người thu gom và với doanh nghiệp; việc giao dịch qua chợ đầu mối hay các trung tâm giao dịch nông sản chưa phổ biến. Hầu hết các HTX, tổ hợp tác hiện có quy mô nhỏ, thiếu các nguồn lực và khả năng để đóng vai trò như doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp mới chủ yếu tập trung vào thu mua, sơ chế và xuất khẩu hàng hóa nông sản thô, chưa qua chế biến, không có thương hiệu, nên giá trị thấp. Không có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Chỉ một vài doanh nghiệp lớn mới đầu tư hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối, nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng....

Thực tiễn cho thấy, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn có ý nghĩa quyết định để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, bởi doanh nghiệp là “đầu tàu”, là động cơ của mối liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản…

Để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và duy trì chuỗi nông nghiệp hoạt động hiệu quả, Nhà nước cần tập trung làm tốt vai trò trọng tài, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng với chi phí thấp, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phát triển các sản phẩm đặc sản hoặc đặc thù; nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường và xuất khẩu nông sản chính ngạch; đảm bảo hiệu lực thực tế những cơ chế hợp lý trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông hộ. Đối với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết.

Cần nhấn mạnh là, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tất yếu cần thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đầu tư chuỗi giá trị đồng bộ và theo mô hình cụm ngành; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa tập trung và cân đối cung cầu chung toàn ngành hàng trong quy mô cả nước để duy trì mức sản xuất có lợi về giá cả. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tập trung vào đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường, tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vào liên kết, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, tăng tính cam kết, trách nhiệm của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân, tránh cơ chế xin cho và đảm bảo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư vào thực hiện liên kết. Thúc đẩy doanh nghiệp lớn kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương, chính quyền địa phương, tổ chức nông dân triển khai đầu tư vào các chuỗi giá trị theo hình thức PPP. Rà soát quy hoạch và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, hình thành các cụm chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh chính, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả kết nối sản xuất - thị trường.

Đặc biệt, các ngân hàng và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết phát triển đa dạng hóa phương thức cho vay mới gắn với các chuỗi nông nghiệp đang và sẽ hình thành, giúp tăng cơ hội tiếp cận vốn và dư nợ, độ an toàn của tín dụng nông nghiệp…/.

Cùng chuyên mục
  • Tăng nguồn thu và trách nhiệm giải trình trong phát triển đô thị
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đại hội XIII của Đảng chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” được coi là một trong ba đột phá chiến lược của giai đoạn 2021-2030, với “trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông đô thị lớn”; “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị” là một trong những nội dung của định hướng chính phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Đại hội Đảng đề ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị đến năm 2030 có tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.
  • Bài toán kép trong chính sách tiền tệ - tín dụng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngược với niềm tin sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% cho cả năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu áp lực gia tăng cơn khát dòng tiền đầu tư, nhất là từ kênh tín dụng ngân hàng và kênh trái phiếu doanh nghiệp.
  • Nhận diện rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đặc điểm nổi bật của nguồn vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) là quy mô lớn và trung dài hạn là chủ yếu. Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam nhiều năm qua lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng với quy mô lên tới trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong khi đại đa số vốn tín dụng ngân hàng lại là ngắn hạn.
  • Kinh tế Việt Nam 2022: Thành công nhưng không tự mãn, chủ quan
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và sẽ là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19 qua, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế so với kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP khoảng 8% và thu ngân sách nhà nước vượt mạnh…
  • Đừng có “lơ lửng giữa trời”
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Một trong những vấn đề quan trọng, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm là phải vì dân, gần gũi với dân, không được xa lánh dân và không thể thiếu sự liên hệ với dân.
Vai trò doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp