Thu ngân sách vượt xa dự toán năm 2022

(BKTO) - Đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đã đạt 1.691.800 tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Theo đó, tỷ lệ động viên vào NSNN lên tới gần 18% GDP, vượt xa mục tiêu 15,2% GDP. Đặc biệt, kết quả đáng kinh ngạc trong thu NSNN thể hiện ở tất cả các khoản thu, các lĩnh vực thu với thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán và thu ngân sách địa phương còn vượt tới 20,4% dự toán. Trong khi thu nội địa vượt

thu-ngan-sach.jpg
Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đã vượt 19,8% so dự toán - Ảnh minh họa

Không chỉ các khoản thu về nhà, đất tăng mạnh mà các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều tăng vượt dự toán, cho thấy tính bền vững và gắn với kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều khoản thu NSNN năm 2022. Thành tích thu NSNN càng đặc biệt ấn tượng khi năm 2022 đã ban hành hàng loạt chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 233.500 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến ngày 15/12/2022, chính sách miễn giảm thuế phí đã thực hiện được khoảng 193.400 tỷ đồng. Những chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022, miễn giảm 37 loại phí, lệ phí... đã có tác động tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch...

Nguyên nhân căn bản dẫn đến kết quả thu NSNN năm 2022 đặc biệt ấn tượng chính là sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ấn tượng với tốc độ lến tới 8% đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 4%. Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mức độ tăng trưởng và niềm tin kinh doanh tăng mạnh trở lại với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên trên 20 vạn doanh nghiệp, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa đều phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngành tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

Thu NSNN vượt xa dự toán tạo ra dư địa rất lớn cho chính sách tài khóa không chỉ năm 2022 mà cả năm 2023, đồng thời hỗ trợ đảm bảo một trong những cân đối vĩ mô quan trọng hàng đầu là kiểm soát mức bội chi NSNN. Năm 2022, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều được đảm bảo với bội chi NSNN (bao gồm Chương trình phục hồi) duy trì dưới 4% GDP. Nếu tính cả số bội chi Quốc hội bổ sung cho 5 dự án được chuyển đổi của VEC, VIDIFI, thì bội chi NSNN năm 2022 khoảng 4,3% GDP. Thêm vào đó, an ninh tài chính cũng được duy trì và củng cố vững chắc hơn khi tính lũy kế đến ngày 15/12/2022 mới chỉ phát hành 203.200 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 50,8% nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ đầu năm với kỳ hạn phát hành bình quân 12,67 năm, lãi suất bình quân 3,41%/năm. Nhờ vậy, đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18-19% tổng thu NSNN - tất cả đều thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo mà Quốc hội cho phép.

Bên cạnh những thành tích thu NSNN tích cực không thể phủ nhận thì rõ ràng kết quả thu NSNN chứng tỏ chính sách tài khóa năm 2022 có xu hướng thắt chặt khi cả số thu lẫn tỷ lệ thu so với GDP đều cao hơn nhiều so với dự tính. Xu hướng thắt chặt chính sách tài khóa cũng thể hiện ngay cả từ phía chi NSNN khi đến ngày 15/12/2022, chi NSNN mới đạt xấp xỉ 1.450.000 tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán. Chính sách tài khóa thắt chặt chỉ phát huy tác dụng tích cực ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nếu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, suốt năm 2022, đặc biệt là từ đầu quý IV, chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng có dấu hiệu thắt chặt hơn nhằm đối phó áp lực lạm phát, giảm áp lực tăng tỷ giá hối đoái và nhất là chính sách tăng lãi suất liên tục của nhiều ngân sách trung ương trên thế giới. Chính vì vậy, chính sách tài khóa nói chung, chính sách thu NSNN nói riêng năm 2023 cần phối hợp đồng bộ hơn nữa với chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4,5%. Mục tiêu thu NSNN 1.620.744 tỷ đồng như dự toán năm 2023 hoàn toàn có thể đạt và vượt song điều hành thu NSNN năm 2023 nên chủ động và linh hoạt hơn nữa theo hướng nới lỏng trong chính sách thu NSNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua thách thức từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, từ gia tăng chi phí các yếu tố đầu vào, kể cả chi phí tài chính trong khi đối mặt với những khó khăn hạn chế cả từ sức mua trên thị trường quốc tế lẫn thị trường trong nước./.

Cùng chuyên mục
  • Vai trò doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết cả ngang và dọc trong toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.
  • Tăng nguồn thu và trách nhiệm giải trình trong phát triển đô thị
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đại hội XIII của Đảng chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” được coi là một trong ba đột phá chiến lược của giai đoạn 2021-2030, với “trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông đô thị lớn”; “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị” là một trong những nội dung của định hướng chính phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Đại hội Đảng đề ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị đến năm 2030 có tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.
  • Bài toán kép trong chính sách tiền tệ - tín dụng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngược với niềm tin sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% cho cả năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu áp lực gia tăng cơn khát dòng tiền đầu tư, nhất là từ kênh tín dụng ngân hàng và kênh trái phiếu doanh nghiệp.
  • Nhận diện rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đặc điểm nổi bật của nguồn vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) là quy mô lớn và trung dài hạn là chủ yếu. Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam nhiều năm qua lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng với quy mô lên tới trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong khi đại đa số vốn tín dụng ngân hàng lại là ngắn hạn.
  • Kinh tế Việt Nam 2022: Thành công nhưng không tự mãn, chủ quan
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và sẽ là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19 qua, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế so với kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP khoảng 8% và thu ngân sách nhà nước vượt mạnh…
Thu ngân sách vượt xa dự toán năm 2022