Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ, đảng viên cũng là con người, cũng có tính tốt và tính xấu, quan trọng là khi đã tình nguyện vào Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải luôn cố gắng chú trọng phát triển những tính tốt và sửa chữa những tính xấu của mình. Hồ Chí Minh cũng phân tích tác hại của tính xấu của mỗi con người và của từng cán bộ, đảng viên. Người cho rằng: Tính xấu của một người thường chỉ có hại cho chính bản thân người đó; còn tính xấu của một cán bộ, đảng viên thì sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.
Hồ Chí Minh nêu cụ thể từng loại khuyết điểm: “Khuyết điểm thì nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng: Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Có bệnh thì phải chữa, nếu không chữa thì sẽ “lê lết dưa cà…”. Vấn đề quan trọng đặt ra là chữa bệnh nhằm mục đích gì và chữa như thế nào đạt hiệu quả tốt nhất?
Hồ Chí Minh xác định mục đích của công việc chỉnh Đảng là nhằm để Đảng thực hiện giáo dục, rèn luyện cán bộ và đảng viên thành những chiến sĩ xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Trong Thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan vào tháng 6/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chỉnh huấn là cốt để giúp cán bộ nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm”. Theo Người, muốn có kết quả ấy thì phải: “Mở rộng dân chủ: Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình. Chống thái độ rụt rè, nể nả giữa cấp dưới và cấp trên, giữa công nông và trí thức, giữa cán bộ ngoài Đảng và trong Đảng”. Người yêu cầu cán bộ đảng viên: “Lập trường giai cấp vô sản phải vững chắc. Phải làm đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ và theo đúng đường lối quần chúng trong mọi việc. Phải triệt để chống bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí. Phải thật sự thi hành dân chủ trong Đảng và trong quần chúng”. Người nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên: “Phải thật thà tự phê bình và phê bình, phải học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và thấm nhuần chính sách của Đảng để luôn luôn tiến bộ. Thái độ học tập phải nghiêm chỉnh, tự kiểm thảo phải thật thà”.
Hồ Chủ tịch thường xuyên nhắc nhở việc sử dụng cán bộ, đảng viên sao cho khéo và hiệu quả. Trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, ngày 01/3/1947, Người viết: “… Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”. Người chỉ rõ phải xử lý nghiêm minh người phạm lỗi, tránh xuê xoa, hình thức: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc”.
Hồ Chủ tịch nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên muốn chữa khuyết điểm thì cần phải có ý chí quyết tâm, bản thân thật sự tự giác rèn luyện. Đồng thời cũng cần phải có sự đóng góp, trợ giúp của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên khác. Người căn dặn: “…Đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải vì cưỡng bức mà sửa đổi”.
Hồ Chí Minh cho rằng: Sửa chữa khuyết điểm, sai lầm cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo, nhưng không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Người phân tích rất cụ thể: Lầm lỗi có việc to, có việc nhỏ; cho nên, nếu nhất luật mà không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật và sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Nhưng nếu chút gì mà cũng dùng đến xử phạt thì cũng là không đúng.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện rõ quan điểm cần phải nghiêm khắc đối với những kẻ cố tình không chịu sửa chữa khuyết điểm, cố tình vi phạm pháp luật. Ngày 17/3/1952, Hồ Chí Minh nói: “Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy: Ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí”. Người nhắc nhở cán bộ có sai phạm phải tự sửa chữa khuyết điểm, nếu không thì “Chính phủ sẽ không dung tha” và Người yêu cầu: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Trong thực tế lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam cho thấy: Đảng và Nhà nước ta luôn theo đúng tư tưởng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng và Nhà nước ta không ngừng rèn luyện phấn đấu làm tốt sứ mệnh cao cả của mình, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 26/7/1956, trong bài “Tự phê bình, phê bình, sửa chữa đăng trên Báo Nhân Dân: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật sự dân chủ mới mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa”. Nét đặc sắc của cách mạng Việt Nam là luôn giải quyết chặt chẽ, hài hòa mối quan hệ hữu cơ trong xây dựng, phát triển Đảng và hệ thống chính trị nhằm mục tiêu vì lợi ích của nhân dân. Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh và kinh nghiệm thực tế, Đảng, Nhà nước đã chỉ ra và tích cực, kiên trì thực hiện đồng bộ việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng gắn liền với xây dựng, phát triển hệ thống chính trị, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), tháng 5/2022: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh” và “Phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ sở và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo năng lực và sức chiến đấu…”.
Đó cũng chính là cơ sở vững chắc để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, chống phá khi chúng cố tình xuyên tạc, vu khống Đảng bảo thủ, không chịu sửa chữa sai lầm, khuyết điểm; chính quyền chỉ là tay sai của Đảng; Đảng và Nhà nước chỉ lo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, đấu đá lẫn nhau, không chăm lo gì đến quyền lợi của nhân dân. Hiểu rõ bản chất xấu xa của những kẻ phá hoại, nhân dân ta càng củng cố thêm sự tin yêu, tiếp tục vững bước tiến theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự trong sạch, vững mạnh, tinh thần tất cả vì nhân dân phục vụ đã và đang giúp Đảng, Nhà nước có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, hùng cường với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.