Xây dựng chi bộ vững mạnh từ sự hăng hái và gương mẫu của đảng viên

Từ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của chi bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, luôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng chi bộ vững mạnh.

2-dang-dt(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 01/02/1961, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh”. Đồng thời, theo Hồ Chủ tịch, muốn có chi bộ mạnh thì phải chú ý đến việc xây dựng đội ngũ đảng viên trong chi bộ, vì “Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu” và “Chi bộ kém là vì đảng viên và cán bộ không một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rất rõ vai trò quan trọng của đảng viên. Người khẳng định: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: Đảng phải quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên một cách toàn diện, ngay từ khâu tuyển chọn, kết nạp vào đảng cũng như rèn luyện, bồi dưỡng, duy trì kỷ luật, tính gương mẫu, hăng hái. Người yêu cầu: “Đảng cần phải làm cho thành phần đảng viên trong sạch, phải bồi dưỡng và hấp thụ vào Đảng những người tốt trong giai cấp lao động. Phải nâng cao trình độ lý luận và chính trị của đảng viên. Phải tăng cường tính tổ chức và tính kỷ luật của đảng viên. Phải phát triển tính hăng hái và hoạt động chính trị của đảng viên”. Tháng 10/1947, trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Đảng phải lựa chọn những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”.

Hồ Chủ tịch đưa ra nhiều giải pháp, cách làm cụ thể của đảng viên trong xây dựng chi bộ vững mạnh. Trên Báo Nhân Dân, ngày 19/02/1957, Người thể hiện quan điểm sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên là yếu tố tạo sức mạnh cho Đảng: “Muốn vững mạnh, thì tất cả đảng viên trong chi bộ phải thật thà đoàn kết, nhất trí”. Trước đó, ngay trong hoàn cảnh toàn quốc kháng chiến hết sức khó khăn, gian khổ, tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ ra công việc khẩn cấp của cán bộ, đảng viên: “Đảng viên - Cần phải rửa sạch những thói hẹp hòi, phu diễn, tự đại, ỷ lại, lười biếng, nhút nhát, hủ hóa. Cần phải kỷ luật, hoạt bát, siêng năng, dũng cảm, có sáng kiến, làm kiểu mẫu. Trước hết phải ăn ở làm sao cho dân phục, dân yêu, dân nghe”.

Theo quan điểm của Người, chỉ có bằng sự gương mẫu thực tế, đảng viên mới thuyết phục được quần chúng nhân dân tin cậy, đi theo Đảng. Người phân tích rõ ràng: “Đảng viên và cán bộ không thể chỉ hô khẩu hiệu và nói lý luận suông. Đảng viên và cán bộ nhất định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng hợp với trình độ của quần chúng. Nhất định phải làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Nhất định phải vào sâu trong quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Sự hăng hái, gương mẫu của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện, đánh giá chứng minh thông qua công việc cụ thể. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn”. Tháng 12/1956, Người nhấn mạnh: Đảng và Chính phủ sẽ lấy thành tích lao động sản xuất tốt hay là kém mà từ đó đánh giá tinh thần yêu nước cũng như đạo đức cách mạng của từng người, từng cán bộ.

Hồ Chủ tịch luôn xác định vai trò quan trọng của tổ chức đảng trong xây dựng tính hăng hái, gương mẫu cho đảng viên, thường xuyên chăm lo cho họ: Đảng phải nuôi dạy cán bộ, giống như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu; Đảng phải quan tâm trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ, trọng dụng mỗi một người có ích cho công việc chung của Đảng, của cách mạng.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự phê bình và phê bình là một vũ khí sắc bén của Đảng ta để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh. Người thẳng thắn nêu: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa...” và: “Trong Đảng chỉ kết nạp những phần tử hăng hái nhất, cách mạng nhất. Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt thì không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đưa ra ngoài Đảng”.

Cùng với nỗ lực của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú ý đến vai trò quần chúng trong việc xây dựng tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên với tư tưởng “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong những bài viết về Thường thức chính trị đăng trên Báo Cứu quốc năm 1953, Người chỉ rõ: “Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: Hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”. Người nhắc nhở đảng viên phải: “Chống bộp chộp, nóng nảy, quan liêu, mệnh lệnh” và khẳng định nếu làm được như vậy thì nhân dân nhất định sẽ ủng hộ và việc gì to mấy, khó mấy cũng làm được.

Thực tiễn công tác xây dựng Đảng đã chứng minh tư tưởng đúng đắn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 93 năm qua, Đảng đã có nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả để xây dựng phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thiết thực xây dựng tổ chức chi bộ đảng vững mạnh. Trong đó, Đảng quan tâm làm tốt công tác biểu dương khen ngợi các đảng viên hăng hái, gương mẫu. Đảng chú trọng khuyến khích các cán bộ, đảng viên dám nghĩ dám làm. Đảng thực hiện tốt chất lượng đảng viên từ khâu đầu vào, rèn luyện thử thách, chăm sóc, bồi dưỡng… Đồng thời Đảng cũng kiên quyết xử lý những đảng viên yếu kém, sai phạm, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hiện nay, toàn Đảng cũng như từng cán bộ, đảng viên đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, với tinh thần: “Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, đồng thời mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng”./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng chi bộ vững mạnh từ sự hăng hái và gương mẫu của đảng viên