Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Dự thảo Nghị quyết; nhiều ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn dự án thí điểm và trên cơ sở đề xuất của các địa phương đã rà soát, trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết và danh mục dự án.
Bên cạnh đó, để việc thực hiện thí điểm có hiệu quả, rõ địa chỉ, phạm vi, thời gian áp dụng, tránh dàn trải đúng với tính chất thí điểm, UBTVQH kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm chỉ áp dụng đối với các dự án Chính phủ trình và không bổ sung danh mục dự án thí điểm sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua; Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án đề xuất với Quốc hội. Do đó, xin không quy định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án tại Dự thảo Nghị quyết.
Giải trình về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nên việc triển khai thực hiện dự án đều chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lớn, do đó, việc cho phép HĐND Thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các dự án đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng có thể không cao nhưng do lưu lượng xe thấp, nếu áp dụng theo cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh sẽ không bảo đảm được phương án tài chính . Tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết đã quy định rõ mức tối đa của từng Dự án. Do đó, UBTVQH xin giữ như Dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 70% hoặc 80% tổng mức đầu tư để bảo đảm phương án tài chính cho các khu vực khó khăn, lưu lượng xe thấp cần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ các dự án PPP đề xuất thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án này gặp khó khăn, vướng mắc trong việc huy động vốn tín dụng tham gia đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng hoàn thành dự án và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đã dự kiến bố trí cho dự án. Vì vậy, đề xuất của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư để bảo đảm tính khả thi của các dự án này là có cơ sở.
Do vậy, tại Điều 2 Dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện theo hướng cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 02 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 80%; phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm được bố trí từ ngân sách địa phương); Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (giai đoạn 1) vốn nhà nước tham gia tăng thêm không quá 70%.
Về dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý và quy định như sau: “nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác”; “phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm trong tổng mức đầu tư của Dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác”.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định “Chính phủ chịu trách nhiệm về nguồn vốn và số vốn còn thiếu trong tổng mức đầu tư của dự án quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này; tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất sau khi các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư”.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.